Hà Nội cũng như các thành phố lớn, mật độ xây dựng khu đô thị (KĐT) mới ngày càng tăng. Trong đợt kiểm tra mới đây của Bộ Xây dựng tại 18 KĐT mới ở Hà Nội thì chưa thấy KĐT nào hoàn thành toàn bộ dự án.
Thực tế này không chỉ diễn ra ở các KĐT hiện đại, mà ngay cả những KĐT được xây dựng kiểu mẫu hoặc tái định cư cũng trong tình trạng thiếu đủ thứ, gây bức xúc cho người dân khi được bàn giao nhà hoặc đã sinh sống tại đó.
Khu đô thị mới nào cũng có... chợ vỉa hè. Ảnh: Giang Huy
|
Lội ruộng vào biệt thự
Nhu cầu tối thiểu để đảm bảo cuộc sống cho người dân là hệ thống đường sá thuận tiện, điện, nước đầy đủ thì dường như nhiều KĐT trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được. Tại KĐT Văn Khê (Hà Đông), khu vực dãy nhà liền kề, nhà thấp tầng điện nước vẫn trong cảnh lúc có lúc không. Chị Nguyễn Thu Hoài – nhà liền kề 17 cho biết: “Có đợt điện, nước bị cắt từ 2 – 3 ngày”.
Tại KĐT Mỗ Lao (Hà Đông), mặc dù được bàn giao nhà từ năm 2009 nhưng hầu hết người dân ở đây đến cuối năm 2010 mới được cấp nước sạch và đến tháng 5.2011 mới được cấp điện. Gần 2 năm sinh sống ở khu vực này, nhiều người phải trả tiền mua nước sạch bằng xe téc, điện phải đi mắc nhờ. Kể cả KĐT hiện đại Văn Phú, mặc dù chủ đầu tư đang trong quá trình bàn giao nhà liền kề, thấp tầng cho người dân nhưng vì thiếu nước, điện nên chỉ có một số ít người dân sinh sống.
Ngay tại khu đô thị mới khá hiện đại là Định Công, nguồn nước cũng là vấn đề gây thắc mắc lớn của người dân. Bà Đỗ Thị Vân - NƠ 14C - cho biết: “Nước sạch mà đơn vị cấp nước bán cho người dân thực chất là nước giếng khoan, nhưng họ vẫn áp giá như nước sạch sinh hoạt. Nước để từ 7 – 10 ngày là biến thành màu xanh”.
Ngoài ra, tình trạng đường sá không đảm bảo vẫn tồn tại phổ biến ở nhiều KĐT. Trước đây người dân KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp khổ sở vì không có đường vào KĐT vì con đường nào cũng ngổn ngang chưa xong. Nay xong đường thì tình trạng chợ cóc bịt luôn cả đường vào diễn ra hằng ngày.
Các hộ dân ở lô OBT2 – X1 KĐT kiểu mẫu Linh Đàm (Hoàng Mai) phản ánh tình trạng mua biệt thự hơn 8 năm mà vẫn chưa có đường đi khiến nhiều gia đình phải lội ruộng để vào nhà. Ông Nguyễn Đức Hy – tổ trưởng TDP 17 khu thấp tầng Linh Đàm - cho biết: “Sau bao nhiêu năm người dân kêu nhà không số, phố không tên thì đến nay khu này đã có tên phố nhưng vẫn chưa có tên ngõ, chưa có số nhà. Toàn bộ số nhà tại khu vực biệt thự và khu thấp tầng đều lấy địa chỉ theo lô đất chủ đầu tư đặt từ khi giao nhà cho người dân”.
Lổn nhổn, chắp vá
Bức tranh về các KĐT trên địa bàn TP.Hà Nội lổn nhổn, chắp vá, khuyết thiếu đủ thứ đã được đoàn khảo sát của thành phố kết luận. Tình trạng thiếu trường học, bệnh viện, chợ là vấn đề khá bức xúc. Hầu hết các KĐT đều “trắng” trường học công lập, nhiều KĐT chỉ thành lập trường học dân lập hoặc quốc tế, không đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân vì học phí quá cao. Điển hình là KĐT Định Công, Đền Lừ, Sài Đồng, Văn Khê, Xa La, Văn Phú, Linh Đàm, Pháp Vân – Tứ Hiệp.
Ông Nguyễn Văn Thuận – cư dân CT1A KĐT Xa La - cho biết: “Cả KĐT chỉ có duy nhất một trường mầm non tư thục Hà Nội – Thăng Long với tiền học lên tới 2.000.000 đồng/tháng. Vì vậy, nhiều hộ dân KĐT đã phải gửi con ở các trường công lập tại địa bàn khác. Trường học các cấp, bệnh viện, chợ đều không có. Hàng ngày muốn đi chợ phải đi nhờ chợ dân sinh ở phường Phúc Hưng hoặc chợ Hà Đông”. Trong KĐT Văn Khê cũng chỉ có 2 – 3 trường mầm non tư thục với học phí tới gần hoặc hơn 2.000.000 đồng/tháng; Trường Tiểu học dân lập Chu Văn An cũng chưa tuyển sinh năm học 2011 – 2012. Hiện tại KĐT Văn Khê cũng chưa có chợ, bệnh viện hoặc trạm xá. KĐT Sài Đồng (Long Biên) dân đã đến ở từ gần một năm nay, nhưng dự án nhà trẻ, trường học vẫn chưa xây dựng.
Tình trạng thiếu bệnh viện, trường học, chợ cũng diễn ra tại hầu hết các KĐT ở Hà Nội. Thế là, để bù đắp sự thiếu hụt, các chợ cóc, vỉa hè đua nhau mọc lên và đua nhau xả rác.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: