Top

Sau vụ cháy chung cư Carina, thị trường căn hộ chậm lại

Cập nhật 28/03/2018 10:06

Thị trường căn hộ có phản ứng giao dịch chậm lại sau vụ cháy tại chung cư Carina (quận 8 - TPHCM). Khách hàng đang thận trọng hơn trong lựa chọn, nhất là tìm hiểu về giải pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhiều hơn.

Thắc mắc về cháy, nổ

Sau vụ cháy tại chung cư Carina 2 ngày, theo kế hoạch, một dự án chung cư tại khu Nam Sài Gòn vẫn tiến hành làm lễ mở bán. Tuy nhiên, điều khá ảm đạm là mặc dù trước đó khách hàng được mời gần một ngàn người nhưng khi có mặt chỉ hơn 100 người.

Buổi mở bán thất bại, lý do được giải thích là khách hàng phải suy nghĩ thêm, bởi đang bị cú sốc từ vụ cháy xảy ra trước đó. Đáng chú ý là tâm lý quan ngại đến cháy nổ rất lớn, tất cả khách hàng ít ỏi có mặt tại buổi mở bán lại hỏi nhiều chuyện cháy, nổ!

“Khách hàng có tâm lý căng cứng nhưng việc mua bán hiện nay vẫn diễn ra bình thường, chưa có tình trạng đặt cọc rồi bỏ. Chúng tôi đang ghi nhận để tổng hợp các phản ánh của khách”, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh, cho biết.

Chung cư Carina (quận 8, TPHCM), nơi mới xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo kế hoạch, năm nay công ty này sẽ mở bán 12.000 căn hộ, trong quý 1 đang bán được 2.800 căn, tuy nhiên vì xảy ra vụ cháy nghiêm trọng nên chủ đầu tư lo ngại tốc độ bán hàng bị chậm lại.

Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam cũng cho biết, khách hàng đến mua có thắc mắc về PCCC, nhưng không có trường hợp nào đã nộp tiền cọc mua nhà mà phải hủy.

Trong khi đó, qua ghi nhận tại khu vực quận 4, dọc Bến Vân Đồn, việc giao dịch căn hộ vẫn diễn ra bình thường. Một nhân viên môi giới cho hay tại dự án mới giao nhà, căn hộ 80m2, có giá trên 3,6 tỷ đồng vừa được đặt cọc, giá nhích hơn trước tết.

Tại dự án Galaxy 9, mặc dù đưa vào vận hành 2 năm trước đây nhưng một căn hộ 70m2, vẫn đang giao dịch gần 3,7 tỷ đồng, cao hơn 700 triệu đồng so với lúc mới giao nhà. Nhân viên môi giới này giải thích, căn hộ cao cấp gần như không bị ảnh hưởng sau vụ hỏa hoạn vì khách hàng tin tưởng vào chất lượng thiết kế, xây dựng; hệ thống an toàn cho tòa nhà, kể cả việc phòng cháy chữa cháy cũng tốt hơn.

Nâng cao kỹ năng sống

Theo một giám đốc công ty địa ốc, đối với đô thị lớn như TPHCM, chung cư vẫn là giải pháp nhà ở cho nhiều giới có thu nhập khác nhau, nếu không ở chung cư sẽ ở đâu?

Câu chuyện lớn nhất xảy ra tại chung cư Carina đó là sự thiếu quan tâm của chủ đầu tư, không tuân thủ nhiều quy định của pháp luật. Mặt khác, ngay sau khi xảy ra sự việc đau lòng, chủ đầu tư cũng chậm có giải pháp hỗ trợ cư dân, chăm lo người bị nạn nên đã để lại sự phản cảm quá lớn…

Làm thế nào để đem lại lòng tin cho người đang sống trong chung cư, hoặc sẽ mua căn hộ để an cư? Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cần phải bình tâm để có góc nhìn khách quan về vấn đề cháy nổ. Bởi lẽ, ở nhà phố việc cháy nổ cũng hết sức nguy hiểm, cũng không an toàn, nhiều vụ cháy xảy ra thiệt hại rất lớn. Vấn đề đầu tiên là cư dân không được hướng dẫn thành thạo về kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm.

Một khu căn hộ tại quận 7, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Vấn đề tiếp theo, đó là căn bệnh “chết người” trong thiết kế. Theo ông Nguyễn Văn Đực, nhiều tòa nhà cao tầng tại Việt Nam được thiết kế theo hướng tiết kiệm mặt bằng, tăng diện tích căn hộ để bán và giảm diện tích phục vụ tiện ích công cộng, chủ đầu tư thu lợi lớn nhưng lại đe dọa tính mạng cư dân nếu xảy ra cháy, nổ. Mặc dù quy trình thiết kế, thẩm định, lắp đặt, kiểm tra hệ thống PCCC tại các chung cư, tòa nhà cao tầng trên thực tế được tổ chức, thực hiện rất chặt chẽ nhưng vẫn chưa đủ để bảo đảm cho một chung cư thật sự an toàn.

Có thể nhận diện các loại thiết kế không an toàn như khép kín, căn hộ bao vây toàn bộ các hành lang sảnh tầng nên khi cháy, khói len lỏi vào các sảnh tầng, người dân sẽ không thấy đường đi và dễ bị chết ngạt do quá kín.

Loại thiết kế thứ hai, sảnh tầng có giếng trời ở giữa để lấy một phần gió và ánh sáng từ trên cao xuống, như trường hợp của chung cư Carina; hậu quả sẽ rất lớn nếu đám cháy xảy ra từ tầng thấp, bởi giếng trời lại là ống dẫn khói lên và các tầng trên cao sẽ gặp thảm họa vì ngạt khói.

Nhìn chung có rất nhiều quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật PCCC nhưng quy định về thiết kế mặt bằng chung cư lại không mang tính bắt buộc. Đây là kẽ hở rất lớn, vì mặt bằng thiết kế căn hộ chính là yếu tố quyết định tới sự sống còn của cư dân. “Bên cạnh nhiều giải pháp thực hiện thì Bộ Xây dựng cần sớm tổ chức hội thảo để tìm được tiếng nói chung trong thiết kế, nhằm tối ưu hóa để giảm thiểu thiệt hại do hỏa hoạn gây ra”, ông Nguyễn Văn Đực đề xuất.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP