Trong 1.227 biệt thự trên địa bàn TP.HCM, có gần 600 trường hợp chỉ còn trên giấy tờ.
Vừa qua, một biệt thự cũ tại 243 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 vừa bị chủ sở hữu tháo dỡ khi chưa xin phép cơ quan chức năng. Sự việc này đã làm dấy lên lo ngại về sự ra đi ngày càng nhiều của các biệt thự cũ trên địa bàn TP.HCM.
Nếu TP không sớm ban hành những quy định phân loại để bảo tồn các biệt thự cũ thì đến một ngày không xa, e rằng TP.HCM sẽ không còn một biệt thự cũ nào. Ký ức về một nền văn hóa đô thị với nhiều kiến trúc cổ từng là niềm tự hào của TP rồi sẽ mai một theo thời gian. Lúc đó người TP có hối tiếc thì đã quá muộn.
Ba năm vẫn chưa kiểm kê xong
Dù việc tháo dỡ căn biệt thự trên đường Cách Mạng Tháng Tám đang được cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng để kiểm kê, đánh giá nhưng dư luận cho rằng sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền là quá trễ. Ngày 10-10, Viện Nghiên cứu phát triển TP có văn bản gửi UBND TP khẳng định biệt thự này không thuộc danh sách biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975 nhưng hiện nay chưa được kiểm đếm, phân loại, chủ nhân muốn sửa hoặc xây mới cũng không được.
Căn biệt thự cũ này không phải là ngoại lệ. Trước đó, tại TP.HCM cũng đã có không ít trường hợp biệt thự cũ bị xóa sổ hoặc bị “hóa kiếp” dở dang. Cụ thể như căn biệt thự trăm tuổi tại 12 Lý Tự Trọng, quận 1 hay tại 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.
Phá dỡ một biệt thự xưa tại TP.HCM. Ảnh: LP
|
Kiến nghị sớm có tiêu chí phân loại Sở QH-KT TP.HCM kiến nghị UBND TP sớm ban hành bản tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cũ trên địa bàn để có cơ sở thực hiện phân loại, đánh giá, lập danh sách bảo tồn. Đồng thời đề nghị Hội đồng Phân loại biệt thự ưu tiên xem xét, đánh giá các hồ sơ riêng lẻ để giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân. |
Cũng vì hồ sơ xin sửa chữa, tháo dỡ chậm được giải quyết, không ít chủ biệt thự đành làm… chui. Từ hồ sơ của người dân gửi về, Sở QH-KT đánh giá có nhiều trường hợp chỉ còn là biệt thự trên giấy tờ. Một số không còn toàn vẹn do bị phá vỡ một phần, bị sửa chữa, chắp vá hay xây dựng thêm; hoặc được phân chia thành nhiều chủ quyền…
Sở QH-KT cho biết những trường hợp này rất khó hoặc không thể phục hồi cấu trúc nguyên trạng, cũng không thể xếp vào loại bảo tồn. “Nếu cứ tiếp tục thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình kiểm kê, đánh giá, phân loại… thì sẽ kéo dài thời gian, tồn đọng hồ sơ và khiếu kiện tăng thêm do thời gian chờ đợi giải quyết của người dân quá lâu” - Sở QH-KT nhìn nhận.
Gần 600 biệt thự đã bị “xóa sổ”
Theo báo cáo của Sở QH-KT, 1.227 biệt thự cũ tập trung chủ yếu tại quận 1 (177 biệt thự), quận 3 (808), quận 5 (98), quận Thủ Đức (140)… Trong số biệt thự này có khoảng 1.027 biệt thự đã được kiểm kê. Kết quả đáng buồn là 553 trường hợp dù trên giấy đỏ vẫn là biệt thự nhưng thực tế là đất trống hoặc các công trình khác. 466 trường hợp còn lại vẫn còn là biệt thự và 28 trường hợp đang có chức năng là công trình công cộng.
Sở QH-KT cho biết sở này đang tiến hành nghiệm thu, kiểm soát 446 trường hợp còn là biệt thự nêu trên để trong tháng 10 sẽ chuyển sang Hội đồng Phân loại biệt thự thực hiện phân loại. 200 biệt thự còn lại chưa hoàn thành việc kiểm kê phần lớn tập trung ở khu vực Văn phòng Trung ương Đảng T78, khu vực các lãnh sự quán nước ngoài. Ngoài ra, một số biệt thự thuộc cơ quan trung ương, TP và cán bộ cấp cao.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: