Hầu hết các sàn giao dịch bất động sản hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm nên thiếu tính chuyên nghiệp
Người dân tìm đến sàn giao dịch bất động sản (BĐS) với mong muốn được cung cấp đầy đủ thông tin, được hỗ trợ bằng các dịch vụ bảo đảm... Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của các sàn vẫn rất hạn chế, phần lớn chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Chủ yếu lấy “tiền cò”
Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM đã có trên 10 sàn giao dịch BĐS có tên tuổi ra đời, chưa kể những sàn giao dịch thành lập theo kiểu đối phó nhằm hợp thức hóa hoạt động của các trung tâm môi giới. Tuy nhiên, ngoại trừ một số sàn giao dịch hoạt động chuyên nghiệp như ACBR, Sacomreal, Phát Hưng... các sàn còn lại đều là “bình mới rượu cũ”. Dịch vụ mà các sàn “chuẩn” hiện nay đưa ra khá nhiều nhưng vẫn chưa hoạt động tốt. Các thông tin sản phẩm được giới thiệu qua sàn giao dịch hiện nay vẫn còn khá nghèo nàn, rất khó kéo khách hàng đến với mình. “Các sàn giao dịch hiện nay vẫn chủ yếu là người trung gian và ăn tiền cò, chưa thấy có điểm gì khác biệt so với trước đây”- anh Tuấn, một nhà đầu tư BĐS ở TPHCM, cho biết.
Hầu hết các sàn giao dịch BĐS hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm nên việc kiểm soát những dự án không đủ hồ sơ pháp lý cũng như trông chờ ông giám đốc sàn chịu trách nhiệm là điều rất khó. Theo quy định, chủ đầu tư phải công khai tính pháp lý của sản phẩm để người mua tìm hiểu, tránh tình trạng “bán lúa non”. Thế nhưng, liệu quy định này có được các chủ đầu tư thực hiện một khi phần lớn các sàn giao dịch hiện nay vốn được lập ra chỉ để tự tiêu sản phẩm của chính nhà đầu tư đó? “Hiện nay có rất nhiều công ty đề cập đến sàn giao dịch chuẩn nhưng để trả lời câu hỏi thế nào là sàn chuẩn, nhất là những quyền lợi khác biệt khi khách hàng giao dịch tại sàn chuẩn và không chuẩn, thì lại ít có ai trả lời được. Các doanh nghiệp (DN) hiện tại chỉ chạy theo việc đạt tiêu chí để tìm cho mình một chỗ đứng đón đầu thời cơ”- ông Dương Chí Thiện, Phó Tổng Giám đốc Neoland, nhận xét.
Chưa đủ minh bạch và tin cậy
Thực tế cho thấy dù giao dịch qua sàn thì khách hàng vẫn rất khó tiếp cận nguồn hàng ngay từ đầu. Và do sự chênh nhau về thông tin nên không thể loại trừ ưu thế của những người tiếp cận được thông tin trước, tức đội ngũ nhân viên bán hàng. Dù quy định cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với đội ngũ môi giới sàn giao dịch BĐS, thế nhưng rất khó đánh giá tính minh bạch và mức độ tin cậy của các sàn vì sàn giao dịch chỉ quản lý được công việc, không quản lý được con người.
Theo Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, tính đến giữa tháng 3-2009, cả nước đã cấp 1.208 chứng chỉ hành nghề môi giới, 439 chứng chỉ định giá BĐS. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai kiểm tra trình độ, tư cách những người được cấp một cách rõ ràng. Vẫn có không ít trường hợp vì chạy theo hoa hồng môi giới mà tìm mọi cách bán sản phẩm cho khách hàng, đến khi gặp rủi ro vẫn chỉ có khách hàng chịu thiệt. Chẳng hạn như đối với trường hợp nhà phố đơn lẻ vốn không có giá đồng nhất như căn hộ chung cư, tình trạng các nhân viên môi giới hét giá xảy ra khá phổ biến.
Bên cạnh tính minh bạch, các cơ quan quản lý còn mong muốn thông qua sàn sẽ xây dựng được một chỉ số BĐS để có thể đưa ra những chính sách đúng đắn phù hợp với thị trường. Thế nhưng, vì hạ tầng kết nối của các cơ quan quản lý và DN chưa gặp nhau, bản thân các DN cũng rất khó trong việc kết nối các sàn với nhau nên không thể biết được tình trạng mua bán trong ngày. Ngay mạng sàn giao dịch BĐS VN cũng chỉ mới dừng lại ở việc thống kê có bao nhiêu DN thành lập sàn thông qua đăng ký logo quảng cáo trên mạng. Hiện tại, đã có khá nhiều DN tự xây dựng cho mình một chỉ số BĐS. Tuy nhiên, sự chuẩn xác của các chỉ số này thì vẫn là một dấu hỏi và thực tế là đã có trường hợp sai sót dẫn đến phải đính chính với chủ đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: