Thị trường BĐS hơn 2 năm qua đã làm hàng loạt doanh nghiệp kiệt quệ, nhiều dự án “chết đứng”. Nhưng có những dự án khi nhắc tới người ta vẫn không khỏi tiếc nuối, bởi nếu chủ đầu tư biết chớp thời cơ cục diện đã hoàn toàn khác. Cũng có những dự án lại hoàn toàn tin vào “tập quán tiêu dùng” mà quên mất cái vòng “kim cô” của hệ thống ngân hàng có thể siết bất cứ lúc nào.
Dự án K. nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè, TPHCM) là dự án căn hộ cao cấp bán với giá hơn 2.000USD/m2 vào năm 2008, được chủ đầu tư đầu tư rất lớn cho công tác xây dựng cũng như tiếp thị.
Thời điểm dự án đủ điều kiện bán ra thị trường (hoàn thành phần móng) cũng là lúc thị trường căn hộ nóng sốt (2007-2008) nhưng chủ đầu tư vẫn không bán mà tiếp tục xây. Khi doanh nghiệp đưa sản phẩm ra (lúc đã xây hơn 10 tầng), thị trường lại bắt đầu xuống dốc.
Sau đó, dù chủ đầu tư đã tung rất nhiều chiêu nhưng việc bán hàng vẫn không khá hơn, chỉ dừng lại ở vài chục khách hàng đã đăng ký từ những ngày đầu. Cuối cùng, các block với hàng trăm căn hộ xây xong phần thô phải dừng lại gần 2 năm nay. Thời hoàng kim của thị trường căn hộ có lẽ không bao giờ trở lại như trước đây, doanh nghiệp này đã bỏ lỡ một “cơ hội vàng”.
Lý giải vì sao khi đã đủ điều kiện nhưng doanh nghiệp này vẫn không chịu bán, nhiều người cho rằng doanh nghiệp này quá đàng hoàng, muốn dự án nên hình nên dáng rồi mới bán để khách hàng không bị thiệt.
Doanh nghiệp quá tự tin, cho rằng thị trường sẽ tốt mãi nên chẳng bận tâm việc bán sớm hay muộn. Nhưng cũng có ý kiến nói doanh nghiệp quá tham, cho rằng giá căn hộ sẽ còn tăng nữa, từ từ bán sẽ “ăn dày” hơn. Dù nguyên nhân nào, doanh nghiệp cũng thiệt hại lớn vì đổ ra hàng ngàn tỷ đồng nhưng dự án “bất động” hơn 2 năm qua.
Một doanh nghiệp khác, sau khi thắng lớn tại một dự án căn hộ ở nội thành đã chuyển sang đầu tư một dự án căn hộ hoành tráng ở ngoại thành. Dự án được xây dựng theo hình “vương miện” có quy mô hàng ngàn căn hộ với thời gian thi công nhiều năm. Theo các nhà chuyên môn, với kiến trúc này phải xây dựng toàn bộ dự án mới đẹp, vì 1/3 hay 1/2 cái “vương miện” sẽ giống cái gì?
Giám đốc doanh nghiệp này tự tin giải thích người miền Nam mua căn nhà 10 đồng chỉ cần có 5 đồng, thậm chí 3 đồng, phần còn lại đi vay mượn. Vì thế nhà ở TPHCM xây lên bao nhiêu cũng không sợ ế. Nhưng một điều ông không lường được là với lãi suất cao như hiện nay, liệu có mấy ai dám vay ngân hàng để mua nhà?
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: