Top

Thị trường BĐS: Cần giải pháp đồng bộ

Cập nhật 26/11/2012 14:12

Tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS) đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế hiện nay và là một trong những nhiệm vụ cấp bách phải triển khai hiệu quả trong năm 2013.

Và để giải quyết tình trạng này, thực tế đòi hỏi cần những giải pháp tổng thể và có trách nhiệm của Chính phủ trong việc phối hợp các cấp, các ngành cùng tham gia.

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường BĐS, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp; bảo đảm từ nay đến cuối năm 2013 tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình trong xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý đô thị, có kế hoạch rà soát tổng thể công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch trong cả nước để có những điều chỉnh cần thiết.

Trước mắt, từ nay đến hết năm 2013, hoàn thành việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật, các loại đơn giá đầu tư, đơn giá xây dựng để làm cơ sở cho việc quyết định đầu tư và thanh quyết toán công trình kịp thời, công khai, minh bạch; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh để hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam.

Trước đó, đăng đàn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã báo cáo một số giải pháp đang được thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, như hoàn thiện văn bản liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để tăng cường quản lý; tiến hành rà soát các dự án, yêu cầu cơ cấu lại thị trường BĐS theo hướng tăng nhà ở cho người có thu nhập thấp, mở rộng tín dụng cho vay cho nhà ở xã hội, miễn giảm thuế cho người mua nhà và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trụ vững, ổn định sản xuất kinh doanh…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của nhiệm vụ “phá băng” thị trường BĐS, cho rằng Bộ Xây dựng khó có thể một mình giải quyết được tình trạng này. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của ngành xây dựng, các giải pháp tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi thị trường, gồm:

Thứ nhất, các giải pháp tài chính công. Việc giải quyết nợ đọng của ngân sách các cấp trong nền kinh tế, nhất là đối với các chủ đầu tư, các công trình xây dựng cơ bản có ý nghĩa đột phá. Nó mở đầu cho quá trình vận động giải quyết tình trạng công nợ dây dưa trong nền kinh tế, từ ngân sách đến chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp hàng hóa, vật liệu và ngân hàng thương mại (NHTM).

Làm được điều này sẽ không tạo áp lực lên lạm phát, vì cơ bản vốn từ ngân sách cuối cùng sẽ đến NHTM. Giải pháp này sẽ giúp nợ xấu giảm đáng kể, tạo điều kiện cho NHTM mạnh dạn cung ứng vốn nhiều hơn cho nền kinh tế.

Thứ hai, giải pháp vốn tín dụng ngân hàng. Vừa qua NHNN đã nới lỏng dòng vốn tín dụng trước đây gọi là tín dụng phi sản xuất, nay gọi là tín dụng không khuyến khích, theo các tiêu chí và nội hàm rộng thoáng hơn. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM thời gian qua rất thấp, nguồn vốn có thể cho vay ra rất lớn.

Các ngân hàng có thể cân đối để cho vay nhu cầu mua nhà ở cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình với thời hạn cho vay 10-15 năm. Có thể áp dụng cơ chế lãi suất cố định trong 2-3 năm đầu khoảng 10%/năm.

Các năm sau có thể thả nổi lãi suất theo cơ chế lãi suất tiết kiệm +2-3%/năm. Các NHTM cần liên kết với các chủ đầu tư dự án để tạo giải pháp tài chính hỗ trợ việc cho cá nhân vay mua căn hộ, tạo nguồn vốn để các chủ đầu tư có thể xử lý các khoản nợ quá hạn với các NHTM, cũng như các khoản nợ tồn đọng đối với các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu xây dựng công trình.

Cuối cùng, cần tạo sức cầu BĐS trong nền kinh tế. Vấn đề quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Quan điểm bóp nghẹt tốc độ tăng trưởng để đánh đổi một mức lạm phát thấp cần được xem lại. Lạm phát cao không hẳn do tốc độ tăng trưởng kinh tế quyết định. Vấn đề này thuộc về quan điểm phát triển và quản lý kinh tế vĩ mô.

Nếu không có một cách tiếp cận đúng đắn, thậm chí phóng đại các nguyên nhân gây ra lạm phát sẽ tạo một sức ì không đáng có đối với nền kinh tế, mà ảnh hưởng trực tiếp là thị trường BĐS.
 

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC