Top

Rừng Sóc Sơn thành biệt thự: Phận buồn người dân bán đất

Cập nhật 23/10/2018 09:02

- Bán cả quả đồi cho đại gia nhưng số tiền thu về chẳng được bao nhiêu nên người thì bỏ xứ về quê, người thì không thoát khỏi cơn nghèo túng.

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Ngày 22/10/2018, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Đình Cường - Trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội cho biết, từ những năm 2003 - 2004 đã có nhiều người từ dưới xuôi lên đây tìm mua đất rừng để xây biệt thự.

"Cả khu đất rộng cả chục nghìn m2 mới có giá vài trăm nghìn đồng. Gia đình nhà nào xác định bán xứ về quê thì mới bán" - ông Cường cho hay.

Do lịch sử hình thành vùng đất chủ yếu là người tứ xứ đến làm kinh tế mới vào những năm 1980 nên điều kiện các gia đình phần lớn là khó khăn. Những năm sau này, giá đất ở Minh Tân có cao hơn, nhiều hộ gia đình mới nghĩ đến chuyện bản đất rừng ở những vị trí đắc địa, lấy tiền lui sâu vào trong xây căn nhà để ổn định cuộc sống, có gia đình cần tiền cho con cái ăn học cũng phải "đứt" ruột bán đất rừng đi.

Biệt thự mọc lên quanh hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.

"Nói là giá đất có cao hơn nhưng chỉ được vài chục nghìn 1m2, so với thị trường còn kém xa. Thu về được khoản tiền, người dân xây nhà xong thì nghèo vẫn hoàn nghèo mà lại mất đất, mất luôn cả kế sinh nhai. Còn người nào bán đất về quê sinh sống thì đến nay cũng không biết ra sao, chẳng khi nào thấy họ trở lại" - ông Cường chia sẻ.

Cơ quan chức năng xác định cả thôn Minh Tân, xã Minh Phú có tất cả 28 công trình vi phạm đất rừng, trong đó có 12 công trình xây dựng xung quanh hồ Đồng Đò, đó đều là những căn biệt thự nguy nga, tráng lệ.

Tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cũng xảy ra tình trạng tương tự, sau khi bán đất rừng người thì bỏ xứ đi đâu không rõ, người thì vẫn "nghèo rớt mồng tơi" bởi số tiền bán được chẳng đáng là bao.

"Tiền bán đất thu về nhiều lắm cũng chỉ một vài trăm triệu, đủ để dựng lên ngôi nhà tạm hoặc cho con cái ăn học. Đại gia có tiền mới xây được biệt thự trên những khu đất đó chứ người dân bản địa chúng tôi có bán cả mấy quả đồi cũng không đủ tiền dựng lên tòa lâu đài nguy nga đến vậy" - một người dân xã Minh Phú bày tỏ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc chỉ ra nhiều công trình vi phạm sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, từ đó yêu cầu cơ quan chức năng liên quan quan vào cuộc xử lý.

Đến năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tiếp tục vào cuộc thanh tra, kết luật sử dụng đất rừng ở Sóc Sơn có nhiều sai phạm.

Một công trình vi phạm đất rừng ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.

Bên cạnh đó là cả chục cuộc kiểm tra lớn nhỏ của ban ngành khác nhau nhưng cho đến thời điểm hiện tại những công trình sai phạm vẫn nganh nhiên tồn tại, không những thế người dân còn cho biết có nhiều công trình mới đang được dựng lên trên đất rừng.

Một trong những khó khăn trong việc xử lý sai phạm đất rừng ở Sóc Sơn được chỉ ra là do chủ nhân của các khu đất này không hợp tác với cơ quan chức năng. Ông Đoàn Văn Sửu - Thanh tra Đội Xây dựng Sóc Sơn cho biết: "Trong quá trình kiểm tra, có người hợp tác có người không. Còn không hợp tác như thế nào thì mỗi trường hợp, cá nhân lại có hành vi khác nhau để né tránh".

Còn ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Sóc Sơn lại chia sẻ, quá trình kiểm tra, xử lý diễn ra thuận lợi vì chủ nhân các căn biệt thự vi phạm đất rừng rất hợp tác, chính quyền thôn, xã cũng không gây khó khăn gì.

Trong khi đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc xử lý sai phạm đất rừng tại huyện Sóc Sơn thời gian qua như "đánh trống bỏ dùi". Sau khi có kết luận thanh tra từ trung ương tới địa phương, lãnh đạo cấp trên đẩy trách nhiệm cho lãnh đạo cấp dưới. Ngoài ra, trách nhiệm giám sát của HĐND TP. Hà Nội, HĐND huyện Sóc Sơn cũng không thể nằm ngoài khi để xảy ra việc này.

Vấn đề được ông Nhưỡng chỉ ra cho những sai phạm đất rừng ở Sóc Sơn là do cá nhân thực thi pháp luật không chưa nghiêm, chính quyền bỏ qua hàng loạt sai phạm to đùng có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Dù trong chương trình làm việc của Quốc hộp trong kỳ họp đang diễn ra không có vấn đề đất rừng ở Sóc Sơn nhưng ông Nhưỡng tin rằng các ĐBQH sẽ cập nhật thời sự thường xuyên và ghi nhận những vấn đề nóng nhất đang diễn ra để phản ánh trong nghị trường.

DiaOcOnline.vn - theo Đất Việt