Top

Rời bỏ khu tái định cư

Cập nhật 05/11/2018 14:25

Nơi ở cũ bị sạt lở nghiêm trọng, người dân được di dời về khu tái định cư (TĐC) mới nhưng khi đã về “vùng đất mới” họ lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo lở núi, sập nhà và thiếu nước sinh hoạt…

Đồi Gò Hiu thường xuyên xảy ra sạt lở - NAM THỊNH

Đi cũng dở, ở không xong

Đã gần 2 năm di dời đến nơi ở mới, nhưng 30 hộ dân vùng sạt lở thôn Hà Dục Đông (xã Đại Lãnh, H.Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn chưa thể an cư. Theo một số người dân, trước đây họ ở dọc bờ sông Vu Gia đoạn chảy qua thôn Hà Dục Đông, nhưng diễn biến sạt lở nghiêm trọng khiến họ không thể “trụ” mãi. Đến cuối năm 2016, chính quyền xã Đại Lãnh đã cho di dời các hộ này về khu TĐC cách trung tâm xã khoảng 3 km. Dù san ủi nửa quả đồi Gò Hiu để người dân xây cất nhà cửa, nhưng khi họ được chuyển họ về khu TĐC mới mà chưa đảm bảo các điều kiện sinh hoạt thì chẳng khác nào “mang con bỏ chợ”.

"Để khắc phục tình trạng này, chỉ còn cách… san ủi nửa quả đồi còn lại. Tuy nhiên việc san ủi đòi hỏi kinh phí rất lớn nên hiện tại phải chờ nguồn kinh phí của cấp trên."

Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh
Ông Trương Văn Tàu (53 tuổi, ở khu TĐC Gò Hiu) nhớ lại thời gian đầu về khu TĐC, ai cũng mừng. Nhưng chỉ không lâu sau đó, người dân bắt đầu ngán ngẩm. Hạ tầng không đảm bảo, nên dù đã xây nhà nhưng nhiều hộ dân đành bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. “Tưởng rằng đến chỗ ở mới thì có thể an cư lập nghiệp, ai ngờ sạt lở núi lại càng nghiêm trọng hơn. Không biết nhà cửa của chúng tôi sẽ bị đất đá vùi lấp bất cứ lúc nào khi mùa mưa bão đang đến gần. Giờ đi không được, ở cũng không xong”, ông Tàu ngao ngán nói.

Cũng theo ông Tàu, khi đến nơi ở mới chính quyền chỉ cấp cho khuôn viên đất chỉ có 7 m chiều ngang, xây được một gian nhà; đất canh tác để trồng trọt, chăn nuôi không có. Chưa kể, nơi đây khá biệt lập, một số sự kiện bầu cử không “phổ biến” đến các hộ dân…

Chờ san ủi... nửa quả đồi còn lại

Anh Trương Văn Nam (33 tuổi, ở khu TĐC Gò Hiu) cho hay sau lưng dãy nhà ở khu TĐC này vẫn còn nửa quả đồi chưa san ủi. Đồi này toàn đất cao lanh, mỗi khi mưa xuống đất đá tràn cả vào nhà. Lo ngại diễn biến xấu, nhiều hộ dọn về nơi ở cũ và đối diện với mối nguy hiểm rình rập từ phía bờ sông. “Hiện lớp đất đã tràn sát vách nhà khiến ai cũng lo lắng, nhiều hộ đã lần lượt rời bỏ khu TĐC mới. Từ 30 hộ sinh sống, bây giờ chỉ còn 4 hộ. Không biết bao giờ Gò Hiu mới an cư”, anh Nam nói. Cũng do sạt lở thường xuyên mà nước giếng nhiễm phèn nặng; người dân phải đi mua nước bình để nấu ăn.

Nhiều ngôi nhà ở khu TĐC bị bỏ hoang

Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, cho hay đây là dự án TĐC của tỉnh đầu tư từ nguồn vốn của T.Ư di dời cho những hộ dân bị sạt lở. Sau khi hoàn thành, khu TĐC này có 34 nền nhà để đưa những hộ dân bị sạt lở vào TĐC. Mỗi hộ vào đây TĐC được Chi cục định cư tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng. "Để khắc phục tình trạng này, chỉ còn cách… san ủi nửa quả đồi còn lại. Tuy nhiên việc san ủi đòi hỏi kinh phí rất lớn nên hiện tại phải chờ nguồn kinh phí của cấp trên", ông Yến nói.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc, cho hay để giải quyết vấn đề cấp bách, an cư lập nghiệp cho người dân ở khu TĐC Gò Hiu, UBND huyện giao cho các đơn vị khẩn trương, bằng mọi cách tìm nguồn nước sạch đưa về khu TĐC cho nhân dân; đồng thời kè gia cố chống sạt lở vách núi. Tuy nhiên, đang vào mùa mưa nên việc kè chân núi sẽ… hẹn triển khai vào đầu năm 2019.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên