Bộ Xây dựng vừa chỉ đạo triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Đây được xem là thông tin hệ trọng, sẽ tác động đến thị trường nhà đất tại nhiều tỉnh, thành
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vừa ký văn bản số 2454 gửi UBND các tỉnh, TP về việc triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Theo đánh giá của giới kinh doanh và chuyên gia bất động sản (BĐS), sau mỗi đợt rà soát, giá đất tại các đô thị lớn và các vùng lân cận sẽ có biến động lớn.
Phần lớn khu du lịch không lập quy hoạch
Theo Bộ Xây dựng, đến nay, các tỉnh đều đã có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được phê duyệt, các đô thị thuộc các tỉnh, TP hầu hết đều đã có quy hoạch chung xây dựng được lập và phê duyệt, trừ một số địa phương, còn một số ít thị trấn chưa có quy hoạch chung (chiếm khoảng 2%).
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát thực tế tại các địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng tỉnh còn nhiều bất cập; chưa có sự gắn kết, thống nhất với các mục tiêu phát triển của vùng, dẫn đến sự chồng chéo, đầu tư lãng phí; tính thống nhất và cơ chế phối hợp giữa các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cấp tỉnh còn yếu.
Nhiều dự án đầu tư chỉ căn cứ theo quy hoạch phát triển ngành, không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã dẫn đến việc phải điều chỉnh (vị trí xây dựng hoặc hướng tuyến xây dựng công trình...) gây thiệt hại lớn về kinh tế...
Việc rà soát các dự án bất động sản sẽ có nhiều ảnh hưởng đến thị trường nhà đất |
Đặc biệt là việc bổ sung, điều chỉnh các KCN tập trung; phát triển đô thị mới, khu đô thị mới, khu du lịch không phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được phê duyệt, làm phá vỡ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung của tỉnh và vùng liên tỉnh về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và môi trường sinh thái... Đáng chú ý là phần lớn các khu du lịch không được lập quy hoạch xây dựng một cách đầy đủ như đối với quy hoạch xây dựng KCN, khu đô thị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do thiếu quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa các quy hoạch. Trong khi quy hoạch xây dựng vùng tỉnh có tầm quan trọng, là cơ sở triển khai lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng KCN, khu đô thị, khu chức năng khác.
Phát triển của địa phương phải phù hợp với quốc gia
Để đáp ứng yêu cầu quản lý sự phát triển đô thị của địa phương phù hợp với định hướng phát triển đô thị của quốc gia, quy hoạch xây dựng các vùng trọng điểm, vùng thủ đô Hà Nội, vùng TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh, TP rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong đó nội dung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh phải dự báo hệ thống đô thị, bao gồm cả đô thị mới, điểm dân cư nông thôn; các KCN tập trung, khu dân cư phục vụ các KCN, khu đô thị mới, khu du lịch, khu chức năng đặc thù; hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung trong vùng tỉnh; tính toán khả năng lấp đầy khu đô thị, KCN theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch đô thị cùng với quy hoạch điểm dân cư nông thôn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa giữa đô thị và nông thôn.
Theo dõi thường xuyên tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, giao Sở Xây dựng (đối với TP Hà Nội và TPHCM là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) là đầu mối có báo cáo định kỳ 6 tháng gửi Bộ Xây dựng về kết quả triển khai.
Ảnh hưởng đến thị trường bất động sản
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, Tổng Giám đốc Group Cường Phát, nhìn nhận việc TP Hà Nội và một số địa phương liên tục có những điều chỉnh, rà soát các dự án BĐS trên địa bàn sẽ là nguyên nhân quan trọng làm “nóng, lạnh” thị trường nhà đất.
Ông Cường dẫn ví dụ TP Hà Nội vừa qua tạm dừng 244 dự án, đồ án để xem xét lại đã làm cho thị trường “đóng băng”. Sau đó, thời gian gần đây, lần lượt hàng chục dự án, đồ án được tái khởi động, đặc biệt là 33 dự án trong 4 quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) được xây dựng cao tầng (từ 9 tầng trở lên) trở lại đã làm thị trường sôi động và lên “cơn sốt” sau khoảng 2 năm trầm lắng.
Chia sẻ nhìn nhận này, ông Nguyễn Trung Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Thế Kỷ, nói: “Việc dừng rồi “nhả” dự án của TP cũng là nguyên nhân quan trọng làm méo mó thị trường nhà đất”.
Ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), thừa nhận các động thái quy hoạch sẽ có tác động nhất định đến thị trường BĐS. “Như thông tin di dời Trung tâm Hành chính quốc gia lên Ba Vì, Hà Nội làm đất đai tại khu vực này lên cơn sốt chưa từng có và hậu quả đã có nhiều người phải ôm đất với giá cao” – ông Thiện nhìn nhận.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: