Tuần qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có dấu hiệu hồi phục nhưng không ồ ạt như trước mà được quản lý một cách thận trọng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư bàn luận. Bên cạnh đó, thị trường nhà đất cuối năm vẫn còn trầm lắng do tác động từ nhiều yếu tố khách quan cũng trở thành đề tài được chú ý.
Nguồn vốn FDI bất động sản có dấu hiệu hồi phục nhưng được quản lý thận trọng và chọn lọc. Ảnh: H.Duy |
Có tín hiệu phục hồi
Trong khi thị trường bất động sản thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng kinh tế 2008 – 2009, thì bất động sản Việt Nam vẫn thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đón nhận sự trở lại của các tập đoàn bất động sản.
Tính đến hết quý III/2010, nguồn FDI đầu tư vào bất động sản Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số các lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất vào Việt nam. Vốn đầu tư trung bình của một dự án vào khoảng 145 triệu USD. Những tháng cuối năm 2010, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có tín hiệu tốt trở lại. Tuy nhiên để thị trường bất động sản phát triển ổn định cần có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ.
Hội thảo quốc tế “Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản - kinh nghiệm thế giới và sự lựa chọn cho Việt Nam” được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua tại Hà Nội thu hút sự tham gia của hơn 1.500 doanh nghiệp bất động sản, các diễn giả và quỹ đầu tư nước ngoài đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều này chứng tỏ, tiềm lực đầu tư bất động sản vào Việt Nam là rất lớn.
Trong giai đoạn hiện nay, kinh doanh bất động sản là một lĩnh vực có vai trò quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung. Bởi đây là thị trường tiềm năng hút vốn vào các dự án lớn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đô thị của Việt Nam.
Theo thống kê, cả nước hiện có trên 2500 dự án nhà ở, bất động sản đã và đang được tiến hành xây dựng với diện tích khoảng 80.000 ha. Trong đó, có nhiều dự án được đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của những chuyên gia kinh tế, không phải những dự án nào nhận vốn FDI đều mang lại lợi ích kinh tế. Thậm chí cần phải thận trọng với nguồn đầu tư này, để vừa có thể cân bằng được thị trường vừa phát triển, ổn định nền kinh tế. Các chuyên gia này cũng cảnh báo, với nguồn vốn FDI lớn mạnh đổ vào lĩnh vực bất động sản, tình trạng bong bóng thị trường rất có thể sẽ xảy ra. Vì vậy, cần xác định rõ những nguồn FDI đầu tư phát triển hạ tầng mang hiệu quả lâu dài, ổn định, theo chiều hướng tích cực.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản những năm qua luôn là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng cũng có không ít biến động, nhiều rủi ro khôn lường. Điều quan trọng là giữ được thị trường vốn trong nước luôn ổn định, không bị điều phối bởi nguồn vốn FDI.
Cuối năm: nhà đất vẫn chưa hết khó
Vào những tháng cuối năm, thị trường bất động sản vẫn đang ở trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số phân khúc trung bình, giá thấp, bán lẻ tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhưng xét trên bình diện chung thì thị trường chưa phục hồi.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến thị trường ảm đạm vào mùa cao điểm đầu tiên do vấn đề vốn. Các ngân hàng không còn ưu tiên cho vay bất động sản và lãi suất cũng còn đang ở mức khá cao.
Bên cạnh đó, dù thị trường không khởi sắc nhưng giá thành vẫn cao, muốn mua hoặc đầu tư cũng không đơn giản. Những người có nhu cầu thực sự vẫn chưa thể tiếp cận bất động sản còn những nhà đầu tư, đầu cơ thì lại không đủ vốn để tập trung dài hạn.
Hiện nay, các kênh đầu tư sinh lợi như chứng khoán, sàn vàng không còn hấp dẫn, dòng tiền trong dân đang đổ dồn vào bất động sản. Nhưng tình hình thị trường nhà đất đang trong giai đoạn ảm đạm nên họ không thể lướt sóng kiếm tiền nhanh như trước. Nếu muốn thu lợi, họ phải có vốn mạnh để cầm cự chờ thời điểm thích hợp bung hàng. Điều này làm cho bất động sản không còn hấp dẫn như trước nữa.
Những yếu tố khách quan tác động vào nhà đất như tình hình nền kinh tế toàn cầu khôi phục chậm, những chính sách, nghị định mới kết hợp quy định về vay vốn… tất cả tạo nên hạn chế cho thị trường.
Những khó khăn này buộc thị trường nhà đất phải xoay sở bằng nhiều hình thức như tập trung vào những phân khúc hấp dẫn trong thị trường như phân khúc trung bình, giá thấp... Ngoài ra, những dự án lớn hoặc cần nhiều vốn thì được hoãn ngày ra mắt, dãn giai đoạn để chờ những chuyển biến mới về vốn.
Dẫu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và tình hình thị trường chưa có dấu hiện khởi sắc trở lại nhưng một số chuyên gia vẫn cho rằng thị trường nhà đất là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng phải nhìn sự phát triển ở tầm xa.
Theo đó, tính đến năm 2030, dự kiến dân số sống tại Hà Nội sẽ gần 10 triệu người và tại TP.HCM là hơn 12 triệu người. Trong giai đoạn 2010-2030 dự kiến hai thành phố lớn này sẽ cần thêm khoảng 160 triệu m2 nhà để đáp ứng nhu cầu nhà ở.
Thiết nghĩ, nguồn vốn vẫn là một trong những yếu tố quan trọng của thị trường. Nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ đều phụ thuộc vào vốn để xoay vòng đầu tư sản phẩm. Vì vậy, cơ quan quản lý cần những giải pháp để giải cơn khát vốn cho nhà đất, đưa thị trường thoát khỏi tình trạng ảm đạm và phát triển hơn.
Thúy Trần, Minh Nguyệt - DiaOcOnline.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: