Top

Quy hoạch vùng TP.HCM: Liên kết để cùng phát triển

Cập nhật 26/02/2018 10:03

TP.HCM sẽ đóng một vai trò mới trong mối quan hệ với vùng TP.HCM (gồm TP.HCM và 7 tỉnh thành lân cận) mà Chính phủ đã phê duyệt và công bố. Theo đó quy hoạch vùng đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định TP.HCM là hạt nhân chủ đạo.


Hầm chui qua nút giao thông An Sương sắp hoàn thành sẽ làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 22 hướng từ TP.HCM đi Tây Ninh - Ảnh: HỮU KHOA

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lý Khánh Tâm Thảo - phó phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM - cho biết năm 2017, đơn vị đã rà soát, trình UBND TP.HCM xem xét điều chỉnh một số định hướng sắp tới.

Theo đó, có 8 vấn đề đặt ra cho lần điều chỉnh quy hoạch chung này (xem biểu đồ).

"Đây chính là một số định hướng để các nhà khoa học, các chuyên gia thảo luận nhằm tìm ra câu trả lời đúng nhất trước khi lãnh đạo TP quyết định" - ông Thảo nói.

Người dân cần tham gia với chính quyền

Ông Lý Khánh Tâm Thảo
* Vậy thay đổi quy hoạch có làm xáo trộn kinh tế, đời sống của người dân TP hay không?

Lần này, quan điểm điều chỉnh quy hoạch chung của TP trước tiên phải bảo đảm tính kế thừa, những gì quy hoạch hiện hành còn phù hợp thì vẫn tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh phải mang tính chiến lược, khả thi. Tức phải có tầm nhìn xa kèm giải pháp, cơ chế quản lý và lộ trình thực hiện phù hợp, tránh ôm đồm.

* Điều mà người dân quan tâm là sau khi điều chỉnh quy hoạch chung thì liệu TP có giảm được nạn kẹt xe, ngập nước hay không?

Có những giải pháp quy hoạch thì thấy thay đổi ngay như quy hoạch phố đi bộ... Còn những vấn đề mang tính hệ thống như giao thông, chống ngập thì phải có thời gian. Thời gian không chỉ để đầu tư xây dựng các dự án mà còn thời gian để bản thân xã hội điều chỉnh hành vi.

Ví dụ trong giao thông, ngoài việc xây dựng đường vành đai, cầu vượt... còn phải thêm những giải pháp mềm như điều tiết giao thông, hạn chế phương tiện di chuyển, những chính sách về thuế, phí... Tất cả giải pháp tổng hòa với nhau thì mới thấy được sự thay đổi.

Người dân cần phải hiểu vấn đề đó để cùng tham gia với chính quyền nhằm cải thiện tình trạng trên chứ không chỉ Nhà nước điều chỉnh quy hoạch là đủ.

Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung là cơ hội để nhìn lại, đề xuất thêm những giải pháp thực hiện đồng bộ. Với mục tiêu đặt ra, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào lần điều chỉnh quy hoạch này.

Bốc dỡ container tại cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nắm bắt mong muốn của người dân

* Lâu nay, nhiều quy hoạch bị "treo" do thiếu nguồn lực. Lần này liệu có như vậy không?

Đó cũng là một trong những vấn đề phải tính tới. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là việc phát triển đô thị rộng hơn rất nhiều so với việc quy hoạch không gian của riêng ngành quy hoạch. Khi các nhà quy hoạch định hình phát triển TP về không gian, có tính đến yếu tố về kinh tế, về nguồn lực nhưng không thể đầy đủ được.

Để đô thị phát triển cần phải có chương trình rộng lớn hơn ngoài tầm của quy hoạch đơn thuần. Ví dụ như chương trình phát triển đô thị sẽ giúp triển khai quy hoạch.

* Lâu nay, TP.HCM và các tỉnh lân cận chưa có liên kết chặt với nhau. Nay điều chỉnh quy hoạch vùng có tính đến những yếu tố để tạo nên sự liên kết chặt hơn với các địa phương lân cận hay không?

Điều này đã được điều chỉnh trong quy hoạch vùng chứ riêng quy hoạch của TP.HCM không khắc phục được. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung cũng sẽ trong bối cảnh liên kết với các tỉnh lân cận để cùng chia sẻ hạ tầng.

Đơn cử như tỉnh này có khu công nghiệp sát ranh giới thì phía bên kia sẽ là khu dân cư chứ không phải khu công nghiệp để cạnh tranh lẫn nhau.

* Khi nào Sở Quy hoạch - kiến trúc sẽ lấy ý kiến đóng góp của người dân về quy hoạch chung điều chỉnh?

Trong năm 2018, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước lẫn quốc tế để tiếp nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư lẫn cộng đồng dân cư trên tinh thần chính quyền thu thập được nhiều thông tin nhất.

Thông qua những ý kiến này, những câu trả lời cơ bản cho các vấn đề trên sẽ lộ ra, TP sẽ nắm bắt được mong muốn của người dân ra sao để quyết định nên điều chỉnh theo hướng nào, đặt ra mục tiêu làm sao.

Cuối năm 2018, TP sẽ có đầu bài cho việc điều chỉnh quy hoạch chung, 2019 sẽ triển khai nghiên cứu đồ án.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng: Phải kết nối giao thông với môi trường

Quy hoạch TP.HCM lâu nay vẫn còn luẩn quẩn trong quy hoạch về đất đai, xây dựng chứ chưa có quy hoạch bài bản về kinh tế, phát triển đô thị… Nay quy hoạch chung của TP.HCM muốn kết nối hệ thống với vùng TP.HCM đòi hỏi phải tính trên tất cả các lĩnh vực từ giao thông, hệ thống khu công nghiệp, vấn đề về sử dụng đất… không những liên kết trong vùng mà phải liên kết ra cả nước.

Chúng ta có thể học hỏi mô hình của vùng Tokyo (Nhật Bản). Họ có những đô thị chuyên đề như đô thị đại học, đô thị cảng biển, đô thị công nghệ cao, đô thị công nghiệp nặng…

Từ những đô thị chuyên đề đó, họ thu hút cư dân thích hợp, không bị tình trạng giao thông con thoi nên không bị kẹt xe, không tốn nhiều tiền và đất đai để mở thêm đường giao thông, tiết kiệm được nhiều thứ cho nhà nước và người dân.


Đồ họa: N.KH


TP.HCM muốn kết nối với vùng trước tiên là ở hệ thống giao thông. Đường sắt, đường bộ, hàng không, cảng biển không thể tách rời nhau mà phải là một khối kết nối liên hoàn.

Cần thiết phải có đường sắt kết nối đến tận sân bay Long Thành hay Biên Hòa. Cảng biển phải có đường bộ kết nối đến tận ga đường sắt để hàng hóa lưu thông không bị đứt đoạn.

TP.HCM với vai trò là hạt nhân của vùng thì phải quy hoạch sẵn những đầu mối thuận lợi để tạo điều kiện cho các tỉnh kết nối, làm cho các tỉnh thấy thuận lợi hơn khi kết nối, thậm chí mời gọi các tỉnh kết nối. Trước mắt, TP.HCM phải xây dựng mạng lưới giao thông như trên ngay từ bây giờ, phải mở ra ít nhất 8 đến 10 cửa ngõ vào TP…

Từ chỗ giao thông thuận tiện thì các địa phương trong vùng mới phân vai để cùng phát triển kinh tế: khu vực nào sẽ là đô thị tri thức, đô thị công nghệ cao, đô thị công nghiệp… TP.HCM phải chủ động làm quy hoạch để nắm trong tay công cụ, có thể chủ động tổ chức cho các đô thị xung quanh như vậy.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phải kết nối với các tỉnh trong vùng để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Vấn đề ô nhiễm môi trường của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn những năm gần đây cho thấy các tỉnh thành chỉ quy hoạch thuận lợi cho tỉnh mình nhưng lại đổ ô nhiễm cho "hàng xóm". Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi các tỉnh cùng tham gia hợp tác.

"TP.HCM nên ưu tiên phát triển giao thông đường bộ và đường thủy. Các tuyến đường bộ huyết mạch, đường cao tốc cần được đầu tư xây dựng sớm, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các đô thị hành lang ở các tỉnh. Ngoài ra, loại hình vận tải đường sông TP.HCM - Long An, TP.HCM - Tiền Giang cũng phải được quan tâm hơn để chia lửa cho đường bộ."
TS. Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức
 
 

Ông Phạm Văn Cảnh (phó chủ tịch UBND tỉnh Long An): Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản

Ông Phạm Văn Cảnh
Là cửa ngõ kết nối giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL, từ năm 2017, tỉnh Long An đã ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội cùng TP.HCM.

Sau 1 năm thực hiện đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong xúc tiến thương mại... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, Long An đã xây dựng và quảng bá 5 chuỗi liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi trên sản phẩm rau, gạo, thịt tiêu thụ tại TP.HCM, cùng phối hợp giám sát, thu mẫu nông sản để phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Lĩnh vực giao thông cũng đạt được hàng loạt công trình đối ứng liên kết Củ Chi - Đức Hòa, Bình Chánh - Bến Lức, Bình Chánh - Đức Hòa, Nhà Bè - Cần Giuộc... TP.HCM cũng đã kết nối chặt chẽ với Long An để cùng quy hoạch, hướng đến vấn đề xử lý rác lâu dài...

Thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục chủ động làm việc với UBND TP.HCM để có sự phân công và thống nhất về định hướng phát triển, nâng cấp đô thị và thành lập đô thị mới của tỉnh, đảm bảo sự phát triển hài hòa của hai địa phương.

Một trong những vấn đề nổi trội là sẽ tham vấn ý kiến của UBND TP.HCM về nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu công nghệ môi trường xanh, để có cơ sở xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch diện tích khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với nhu cầu thực tế của các tỉnh. Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế sẽ triển khai đề án bệnh viện vệ tinh với các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Từ Dũ...

Ông Bùi Xuân Cường (giám đốc Sở GTVT TP.HCM): Điều chỉnh vì quy hoạch không theo kịp

Ông Bùi Xuân Cường


Với tư cách là tổ trưởng tổ điều phối kết nối giao thông vùng, ông Bùi Xuân Cường cho rằng cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nguyên nhân là đầu tư quy hoạch, liên kết vùng chưa được giải quyết theo kịp tốc độ phát triển.Ngoài ra phải phát huy vai trò các đường vành đai TP, tăng cường các trục kết nối trực tiếp, kết nối tắt phục vụ giao thông liên vùng nhằm hạn chế tập trung giao thông vào đầu mối TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng (phó hiệu trưởng ĐH GTVT TP.HCM): Kết nối giao thông để cùng phát triển

Hiện các trục đường huyết mạch hướng tâm vào TP.HCM như quốc lộ 1, 14 và 22 đều đã có quy hoạch mở rộng nhưng chưa thực hiện, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM tới các tỉnh lân cận ngày càng tăng cao, dẫn đến ùn tắc.

Vì vậy, TP.HCM cần rà soát quy hoạch, tuyến nào cần mở rộng, kéo dài thì nên thực hiện sớm. Đặc biệt chú trọng ưu tiên đường sắt và đường thủy trong hệ thống vận tải liên vùng.

Cần có "nhạc trưởng" để liên kết vùng
Ông Tạ Huy Hoàng

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cho TP.HCM và các tỉnh lân cận là một bước đi trong giai đoạn mới trước tình trạng quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay. Việc này siết chặt hơn liên kết vùng, đặc biệt giữa các địa phương trong kết nối hạ tầng kỹ thuật.

Đơn cử như ý tưởng về một cây cầu từ Q.9 (TP.HCM) kết nối qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã bàn từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện.

Rồi tuyến metro Suối Tiên trước đây quy hoạch chỉ nghĩ kéo đến khu du lịch Suối Tiên nhưng khi Đồng Nai, Bình Dương có ý kiến cần kéo dài để kết nối hạ tầng giao thông các tỉnh thì đã thuyết phục được Chính phủ, chuyên gia.

Mục đích cuối cùng là quy hoạch sao để phát triển hạ tầng giao thông, khai thác lợi thế, tiềm năng của TP.HCM với 7 tỉnh lân cận ngày càng tốt hơn, tránh chồng chéo. Do vậy, cần phải có một "nhạc trưởng" cấp cao chỉ huy, có những quy định cụ thể để các địa phương cùng ngồi lại với nhau.
Ông Tạ Huy Hoàng (giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai)


Cả trung ương lẫn địa phương cùng kết nối
Ông Trần Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Việc xây dựng quy hoạch vùng TP.HCM kết nối với các tỉnh lân cận, trong đó có Bình Dương, là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, hiện việc kết nối vùng còn khó khăn do kinh phí lớn, nên nhiều tuyến giao thông đường bộ đang rơi vào cảnh "thắt cổ chai" gây kẹt xe.

Những năm qua, Bình Dương đã chủ động xây dựng các trục đường quan trọng như: Mỹ Phước - Tân Vạn, mở rộng đường DT743 nối các khu công nghiệp tới quốc lộ 1...

Tuy nhiên, việc các địa phương chủ động chỉ là một phần, còn cần vai trò "nhạc trưởng" ở cấp trung ương để kết nối vùng.
 







Đó là sự sống còn của mỗi địa phương

Ông Vũ Ngọc Thảo (giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Theo ông Thảo: "Quy hoạch vùng TP.HCM điều chỉnh là sự sống còn của toàn vùng và của cả nước vì quy hoạch này là liên kết vùng, từ đó cho mỗi địa phương phát huy tối đa thế mạnh, lợi thế của mỗi địa phương".

Hiện hệ thống giao thông ở TP.HCM và 7 tỉnh lân cận còn thiếu sự kết nối, nhất là kết nối giao thông đường thủy nội địa giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh miền Tây.

Hiện TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn về giao thông đô thị, gây bức xúc, tốn kém.

Nếu quy hoạch giao thông của vùng là chùm quy hoạch mở thì đô thị Sài Gòn sẽ được chia sẻ điều này.

Khi liên kết vùng được tạo ra, tự bản thân nó sẽ giãn quy hoạch đô thị thành những quy hoạch vệ tinh, chứ không tập trung xuyên tâm vào lõi TP.HCM.

"Đây là hướng đi đúng đắn. Và tất yếu phải thực hiện" - ông Thảo khẳng định.



DiaOcOnline.vn – Theo TTO