Top

Quy hoạch ga Bình Triệu: Dân khổ, chính quyền mệt

Cập nhật 23/03/2016 09:53

Khu vực này từng là điểm nóng về xây dựng không phép. Tới nay, nhiều nhà chưa được cấp số, người dân không được nhập hộ khẩu.

Trong 14 năm qua, gần 3.000 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu sinh sống tại khu vực quy hoạch ga Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM phải chịu lắm thiệt thòi: Nhà xây dựng không phép, đất đai không được cấp giấy chứng nhận, không được nhập hộ khẩu… Tất cả đều xuất phát từ một lý do duy nhất: Quy hoạch treo.

Đất không giấy tờ, nhà không số

Tháng 3-2002, kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch dự án ga Bình Triệu. Dự án chiếm hơn 41 ha đất thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Từ đó tới nay, nơi đây dần hình thành khu dân cư đông đúc. Nhiều ngôi nhà khang trang có, xập xệ có nằm san sát hai bên những con đường lởm chởm đất đá. Điểm chung là khá nhiều ngôi nhà không hề có số.

Anh Hoàng Trương, chủ một ngôi nhà không số, cho biết anh mua đất xây nhà từ năm 2010. Khi đó anh và nhiều người xung quanh đều biết rõ là đất nằm trong quy hoạch nhưng vẫn nhắm mắt làm liều vì số tiền bỏ ra vừa với khả năng của họ.

“Lúc tôi xây nhà, thanh tra xây dựng có xuống lập biên bản và xử phạt hành chính. Vì xây không phép nên tới giờ nhà vẫn chưa có số, vợ chồng tôi không thể nào nhập hộ khẩu. Đứa con gái năm tuổi không được học trường công gần nhà, đành phải đi học trường mầm non tư thục” - anh Trương nói.

Hàng xóm của anh Trương, chị Lê Thị Mỹ Lệ cũng thừa nhận mình xây nhà không phép. “Hồi đó nhắm mắt xây liều, chấp nhận bị phạt để có chỗ chui ra chui vào. Bây giờ con cái lớn cả rồi, tôi muốn sửa sang lại nhà cho bớt xập xệ nhưng không được”.

Ông Nguyễn Quang Trung, tổ trưởng khu phố 6, tổ 41, phường Hiệp Bình Chánh, cho biết: Tôi về đây ở hơn chục năm rồi, nhà cũng không có giấy tờ như bao người dân khác tại đây. Bà con rất bức xúc vì quy hoạch treo quá lâu ảnh hưởng đến đời sống mọi người. Việc nhiều người không có hộ khẩu ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý nhân khẩu, tình hình trật tự an toàn xã hội trong khu dân cư.

“Thiết nghĩ chủ đầu tư nếu vẫn làm dự án thì sớm thực hiện để bà con còn được hỗ trợ, bố trí tái định cư, sớm ổn định cuộc sống. Còn nếu không làm thì cũng nên thông báo cụ thể, rõ ràng để người dân còn nắm được” - ông Trung nói.

Khu vực quy hoạch để thực hiện ga Bình Triệu. Nơi đây có rất nhiều căn nhà xuống cấp nhưng không được phép sửa chữa.  Ảnh: H.TRÂM

Chị Lê Thị Mỹ Lệ mong mỏi được sớm có hộ khẩu. Ảnh: H.TRÂM

Chính quyền cũng mong mỏi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: “Dự án này do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện nay, quận cũng chưa được biết chính xác kế hoạch thực hiện cũng như tiến độ của dự án. Ban đầu diện tích đất nằm trong quy hoạch là hơn 41 ha. Nhưng năm 2013, quy hoạch được điều chỉnh nên tổng diện tích thực hiện dự án lên tới 47,35 ha. Quận đã thông báo với người dân việc điều chỉnh quy hoạch thông qua hệ thống loa phát thanh. Người dân muốn có thêm thông tin có thể lên UBND phường đề nghị được cung cấp bản đồ quy hoạch”.

Ông Dũng thông tin thêm: “Về việc cấp số nhà cho người dân, chúng tôi thực hiện theo Quyết định 22/2012 của UBND TP.HCM. Theo đó, những trường hợp xây dựng không phép trước ngày 1-5-2009 được tồn tại theo Thông tư 24/2009 của Bộ Xây dựng thì được xét cấp số nhà. Những nhà xây dựng sau thời gian này thì chưa được xem xét, giải quyết”.

Theo ông Dũng, trong giai đoạn 2012-2013, quận đã cưỡng chế tháo dỡ nhiều nhà xây dựng không phép. Nhiều cán bộ có biểu hiện lơi lỏng trong công tác quản lý đã bị xử lý kỷ luật, điều chuyển. Từ năm 2014 tới nay, tình trạng nhà xây dựng không phép đã giảm đáng kể.

“Năm 2014, UBND quận đã có báo cáo gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, UBND TP, HĐND TP đề nghị có ý kiến với Bộ GTVT về dự án này. Cụ thể, nếu Bộ GTVT xác định vẫn thực hiện dự án thì nên có kế hoạch cụ thể để địa phương, người dân nắm bắt nhằm chuẩn bị cho công tác tái định cư. Còn nếu không triển khai dự án thì cũng nên thông báo để người dân an tâm làm ăn, sinh sống” - Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức kiến nghị.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Kinh Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT, để hỏi về nguyên nhân khiến dự án ga Bình Triệu chậm trễ. Tuy nhiên, ông Thành đều nói bận họp và từ chối trả lời.

PV tiếp tục liên hệ với Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) và đơn vị này hứa sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất. Sau hai ngày không thấy hồi âm, ngày 18-3, chúng tôi liên lạc lại thì đơn vị này cho biết cần tìm hiểu thêm thông tin từ ban quản lý dự án đường sắt mới trả lời được.

2.734 hộ dân với 15.035 người bị ảnh hưởng bởi dự án ga Bình Triệu. Khu vực quy hoạch trải dài qua khu phố 2, 6 và một phần khu phố 7 của phường Hiệp Bình Chánh.

Ông TRẦN MINH TÚ, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP