Top

Quy định mới người xây nhà cần biết

Cập nhật 04/01/2018 08:40

Nghị định 139/2017 cho phép các chủ nhà có 60 ngày kể từ ngày bị lập biên bản vi phạm để nộp hồ sơ điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép xây dựng.

Từ ngày 15-1, Nghị định (NĐ) 139/2017 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở… thay thế cho hai NĐ 180/2007 và 121/2013 sẽ có hiệu lực. Luật sư (LS) Trần Công Ly Tao (Đoàn LS TP.HCM) nhận xét: “Quy định mới có nhiều điều chỉnh có lợi cho các chủ nhà xây dựng sai phép, không phép (nói gọn là trái phép)”.
Nhiều vi phạm bị phạt tiền gấp đôi

* Thưa LS, một số vi phạm phổ biến như thi công không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các nhà xung quanh… có mức phạt mới thế nào?

+ LS Trần Công Ly Tao: Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh, nếu trước đây cá nhân bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 250.000-500.000 đồng thì sắp tới mức phạt nâng lên là từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng (GPXD) của cá nhân cũng tăng gấp đôi. Từ 1,5-2,5 triệu đồng tới đây là 3-5 triệu đồng đối với trường hợp được cấp phép sửa chữa, cải tạo; từ 5-10 triệu đồng tới đây là 10-20 triệu đồng đối với trường hợp được cấp phép xây dựng mới. Xây dựng không có GPXD mà theo quy định phải có sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng (quy định cũ là 10-15 triệu đồng).

* Việc bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khôi phục tình trạng ban đầu, tháo dỡ công trình…) thường gây ngán ngại cho các chủ nhà trái phép nhiều hơn là phạt tiền. Quy định mới có sửa đổi các biện pháp này không?

+ Quy định mới chỉ còn bốn biện pháp khắc phục hậu quả cơ bản là: Buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; buộc thực hiện những biện pháp khác theo quy định. Tức không còn biện pháp khắc phục là buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn như trước.

Theo quy định mới, nhiều hành vi xây dựng không phép, có mức phạt tiền tăng gấp đôi. Trong ảnh: Một nhà xây dựng trái phép tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Đáng lưu ý là các chủ đầu tư sẽ không còn được nộp lại số lợi bất hợp pháp để được giữ lại công trình trái phép nữa. Việc nộp số lợi bất hợp pháp tiếp tục áp dụng cho các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng mạng lưới cấp nước như: Sử dụng nước trước đồng hồ đo nước; làm sai lệch đồng hồ đo nước; tự ý thay đổi vị trí, loại đồng hồ đo nước… Hoặc sẽ áp dụng đối với vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản như không cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng hoặc việc sử dụng tiền ứng trước khi có yêu cầu; không cho phép bên mua, bên thuê mua được kiểm tra thực tế tiến độ thi công tại công trình…
Có hai tháng “châm chước”

* Theo quy định cũ, xây sai phép thì phải tháo dỡ ngay phần diện tích vi phạm, còn xây không phép thì lại được xem xét để tùy trường hợp mà buộc tháo dỡ ngay. NĐ 139 có quy định khác hơn?

+ Có, theo NĐ 139/2017, xây dựng sai phép, kể cả sửa chữa, cải tạo và cấp phép xây dựng mới hay xây dựng không phép đều có cùng cách thức xử lý. Nếu hành vi vi phạm đã kết thúc thì buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm. Nếu đang thi công, lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dừng thi công. Kế tiếp, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp GPXD. Hết thời hạn này mà tổ chức, cá nhân không xuất trình được GPXD hoặc GPXD được điều chỉnh thì sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.

Ngoài ra, sau khi được cấp hoặc điều chỉnh GPXD, nếu công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với GPXD thì phải tháo dỡ công trình, phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.

* Vậy những công trình trái phép đã kết thúc trước ngày 15-1 (ngay cả khi đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ nhưng chưa thực hiện) bị xử lý theo quy định cũ hay quy định mới?

+ Nếu đáp ứng được một số điều kiện quy định thì những công trình trái phép đó vẫn được chiếu theo quy định cũ (NĐ 121/2013) để nộp số lợi bất hợp pháp tính theo tỉ lệ giá trị phần vi phạm nhằm khỏi tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Riêng đối với nhà ở riêng lẻ thì không phải nộp lại số lợi bất hợp pháp như thế. Từ sau ngày 15-1, khi đã được cấp hoặc được điều chỉnh GPXD để được giữ lại các phần vi phạm phù hợp mà lại tiếp tục vi phạm thì công trình sẽ bị xử lý theo NĐ 139/2017.

Theo NĐ 121/2013, các điều kiện công trình trái phép phải đáp ứng để được xem xét cho nộp số lợi bất hợp pháp nhằm khỏi tháo dỡ phần diện tích vi phạm là: Không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt. 



DiaOcOnline.vn - Theo PLO