Sáng 9.4, với 86,64% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn kỳ cuối 2016-2020 cấp quốc gia.
Ảnh minh họa
|
Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn cuối kỳ 2016-2020 cấp quốc gia đã quyết nghị một số chỉ tiêu cơ bản như:
Chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó đất nông nghiệp được điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh lượng thực, sử dụng đất đai tiết kiệm hiệu quả phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.
Cụ thể, nhóm đất nông nghiệp từ hơn 26,700,000 ha được điều chỉnh đến năm 2020 tăng thêm hơn 306.000 ha. Một số nhóm đất khác được điều chỉnh giảm như đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng.
Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các ngành có sử dụng đất để bảo đảm phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ cấp quốc gia đến các vùng, các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất các vùng kinh tế-xã hội nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai bảo đảm tính kết nối liên vùng, liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được.
Điều tiết phân bổ nguồn lực bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ lúa hàng hoá tại các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất.
Điều tra, đánh giá thực trạng đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đất đai, chính sách tài chính về đất đai để khuyến khích việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh bỏ hoang gây lãng phí đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: