Top

Quản lý dự án đầu tư xây dựng: Bỏ giấy phép xây dựng “tạm”

Cập nhật 30/09/2014 13:10

Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, vì vậy việc rà soát, sửa đổi và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi luật là công việc quan trọng và cấp thiết. Theo đó dự thảo Nghị định quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng là một trong 6 Nghị định phải hoàn thiện trước khi Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Nhiều quy định mới trong quản lý đầu tư xây dựng được sửa đổi.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn

Theo dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì Nghị định này sẽ quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật Xây dựng về hoạt động đầu tư xây dựng gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thực hiện dự án đầu tư xây dựng; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; các hình thức quản lý dự án; cấp GPXD và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.

Về phân loại dự án đầu tư xây dựng cũng được quy định mới như sau: Dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định này. Công trình xây dựng quy định tại Điều 14 của Nghị định này không phải lập dự án mà chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

Ngoài ra, việc quản lý dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc đó là: Thực hiện quản lý dự án theo kế hoạch và chủ trương đầu tư được phê duyệt; bảo đảm an ninh, an toàn cộng đồng, bảo vệ môi trường và phù hợp với quy định của pháp luật khác có liên quan. Yêu cầu đối với quản lý dự án, phân cấp quản lý, thực hiện dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng để đầu tư xây dựng.

Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được các cơ quan chuyên môn của nhà nước quản lý toàn diện để bảo đảm đúng mục tiêu của dự án, tiết kiệm chi phí và phát huy hiệu quả cao nhất. Dự án sử dụng vốn công trái quốc gia, trái phiếu của Chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được quản lý như yêu cầu đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Để triển khai Luật Xây dựng (sửa đổi), công tác quản lý dự án được đổi mới một cách căn bản và khá toàn diện. Đó là việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn về xây dựng của nhà nước trong việc quản lý dự án đầu tư các công trình xây dựng để chống thất thoát, lãng phí. Theo đó, từ ngày 1/1/2015 đối với các dự án có sử dụng nguồn vốn bằng ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ hơn từ lúc lập, phê duyệt dự án, đến thi công xây dựng bởi các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn về xây dựng, trong đó tập trung vào công tác tiền kiểm. Còn đối với các nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách thì cũng được quản lý ở mức độ, giao quyền tự chủ trong quản lý dự án nhiều hơn.

Đảm bảo an toàn cộng đồng

Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng theo quy định tại Điều 80 Nghị định này chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở của dự án nhóm A, dự án do Thủ tướng Chính phủ giao và các dự án từ nhóm B trở xuống do mình quyết định đầu tư. Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại Điều 80 Nghị định này chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở của dự án từ nhóm B trở xuống, trừ các dự án quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản này.

Về hồ sơ đề nghị cấp GPXD cũng được quy định mới như sau: Hồ sơ đề nghị cấp GPXD mới; sửa chữa, cải tạo; di dời công trình; nhà ở riêng lẻ; công trình không theo tuyến; công trình theo tuyến trong đô thị; công trình tôn giáo; công trình tượng đài, tranh hoành tráng; công trình quảng cáo được thực hiện theo quy định tại các Điều 95, 96, 97 Luật Xây dựng. Hồ sơ đề nghị cấp GPXD đối với công trình tín ngưỡng theo quy định tại khoản 2, Điều 95 Luật Xây dựng.

Đối với công trình của các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế, hồ sơ đề nghị cấp GPXD đối với công trình của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và cơ quan nước ngoài khác đầu tư tại Việt Nam được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 95 Luật Xây dựng và các điều khoản quy định của hiệp định hoặc điều ước quốc tế đã được ký kết với Chính phủ Việt Nam.

Ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Đối với quản lý về cấp GPXD, luật lần này đã làm rõ hơn, cụ thể hơn các đối tượng được miễn GPXD, các yêu cầu trình tự thủ tục xin GPXD. Riêng GPXD có thời hạn được quy định rõ ràng hơn về thời hạn giấy phép. Trước đây, chúng ta có cấp loại GPXD tạm, tuy nhiên quy định cũ đã không nêu cụ thể GPXD đó được cấp tạm đến bao giờ. Lần này, quy định mới đã quy định rất rõ thời hạn giấy phép và hiệu lực của GPXD phụ thuộc vào kế hoạch thực hiện dự án được phê duyệt.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng