Top

Quận Hà Đông: Người dân "bỗng dưng" mất đất!

Cập nhật 09/12/2013 15:32

Chưa nhận được thông báo thu hồi đất, chưa nhận tiền đền bù, hàng chục hộ dân tại phường Phú Lương (quận Hà Đông) bỗng dưng mất ruộng vì chính quyền đổ đất san nền làm đường.

Dân tố chính quyền sai luật

Báo Đầu tư Bất động sản vừa nhận được đơn của hàng chục hộ dân tại phường Phú Lương khiếu nại về việc UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú Lương đã phá hủy hoa màu khi đổ đất, xây dựng tuyến đường công vụ qua cánh đồng Kênh Thượng dù chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có thông báo thu hồi đất và khi người dân chưa nhận tiền đền bù.

Theo ông Phùng Văn Sơn, một đại diện các hộ dân, cánh đồng Kênh Thượng rộng 37.800 m2 của hơn 500 hộ dân, tiếp giáp với 2 đầu Dự án Khu đô thị Thanh Hà A và B của chủ đầu tư CTCP Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land). Toàn bộ diện tích này theo ông Sơn, không thuộc đất Dự án Thanh Hà.Thế nhưng, tháng 7/2013, UBND phường Phú Lương bất ngờ huy động máy móc vận chuyển đất đá để đổ nền, tạo con đường rộng khoảng 30 m cắt đôi xứ đồng Kênh Thượng, bất chấp sự phản đối của hơn 500 hộ dân là chủ sử dụng đất đang trong thời kỳ trồng trọt và thu hoạch.


Người dân phường Phú Lương lập lán trại và dựng chướng ngại vật để ngăn việc đổ đất lấp ruộng, làm đường khi chưa được nhận tiền đền bù

Việc đổ đất làm đường lần 1 vào tháng 7/2013, theo ông Sơn, đã chôn vùi lúa và hoa màu của nhiều hộ dân, nên người dân đã có đơn gửi đến nhiều cấp chính quyền. Vụ việc chưa được giải quyết, thì đến ngày 18/10/2013, UBND phường Phú Lương tiếp tục huy động máy móc chở đất đá tiếp tục san lấp làm đường. Việc san lấp đã phá hủy toàn bộ hệ thống tưới tiêu, thủy lợi của cánh đồng, khiến người dân không thể tiếp tục sử dụng đất cho mục đích nông nghiệp.

Theo phản ánh của một số hộ dân, quy trình chính quyền địa phương đổ đất lấp ruộng, san nền làm đường không được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, chính quyền địa phương đổ đất làm đường, nhưng chưa có thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất, là những căn cứ để thực hiện việc tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Việc đổ đất san nền sau đó tiếp tục phá hỏng diện tích hoa màu của 50 hộ dân tại khu vực làm đường, đồng thời, phá hỏng các công trình tưới tiêu, khiến diện tích đất nông nghiệp của hơn 400 hộ dân khác không thể tiếp tục cấy trồng.

Lấp ruộng trước, trả tiền đền bù sau!?

Liên quan đến việc đổ đất nền làm đường khi người dân còn chưa nhận được quyết định thu hồi đất, chưa nhận tiền đền bù, ông Tạ Đình Quang, Chủ tịch UBND phường Phú Lương cho biết, con đường phường Phú Lương đang triển khai qua xứ đồng Kênh Thượng là đường công vụ. Con đường này có hướng tuyến từ Trục đô thị phía Nam qua Khu đô thị Thanh Hà vào đến khu đất dịch vụ. Ông Quang cũng khẳng định, toàn bộ diện tích đất của các hộ liên quan đến đường công vụ nằm trong tổng thể Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5.

Giải thích việc phải mở tuyến đường công vụ, ông Quang cho biết, do con đường dẫn vào khu đất dịch vụ hiện tại có trọng tải dưới 8 tấn, không thể đáp ứng tiến độ xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ, vì thế, địa phương đã làm việc với Cienco 5 Land mượn mặt bằng để thực hiện tuyến đường. Sau khi thực hiện xong việc xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ, Ban quản lý đầu tư và xây dựng quận Hà Đông sẽ có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng.

Ông Quang cho biết, để đảm bảo tiến độ triển khai hạ tầng khu đất dịch vụ, sắp tới, UBND phường sẽ tiếp tục phối hợp với Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng quận Hà Đông để tiếp tục thi công tuyến đường. Phường sẽ khắc phục bằng cách đặt cống tiêu thoát nước để đảm bảo cho các hộ dân vẫn có thể canh tác.

Ông Quang cho biết thêm, dự án đường công vụ qua xứ đồng Kênh Thượng chỉ liên quan đến diện tích đất của 39 hộ, trong đó đã có 35 hộ nhận tiền, 4 hộ còn lại chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng. Vì thế, địa phương yêu cầu các hộ dân có đất thuộc dự án chưa bàn giao đất, tiếp tục nhận tiền bồi thường theo phương án đã được duyệt.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo, ông Đào Quang Thái, tổ 17, phường Phú Lương, một đại diện hộ dân bị mất ruộng do chính quyền phường Phú Lương lấp đất làm đường cho biết, việc chính quyền không có thông báo thu hồi đất, chưa đưa ra được quyết định thu hồi đất vẫn tiến hành san lấp là hành động “trảm trước, tâu sau”, tạo ra việc đã rồi. Vì vậy, không ít hộ gia đình sau khi mất ruộng, vì quá khó khăn đã chấp nhận nhận tiền với giá rất bèo bọt, dù biết việc thu hồi và bồi thường của phường là sai quy định.

Theo ông Thái, để ngăn không cho chính quyền phường Phú Lương tiếp tục làm đường khi người dân còn chưa nhận được tiền đền bù, từ nhiều ngày nay, các hộ gia đình mất ruộng phải dựng lán trại trên nền ruộng đã bị san lấp và cắt cử người ngày đêm canh gác.

Liên quan đến việc đổ đất làm đường trên diện tích đất nông nghiệp khi chưa có

quyết định thu hồi đất, chưa có thông báo thu hồi đất, người dân cũng chưa được nhận tiền thu hồi, Đầu tư Bất Động sản đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND quận Hà Đông.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi nhận được trả lời chính thức về vấn đề này.

Theo ông Phùng Văn Sơn, mặc dù Hà Tây sáp nhập về Hà Nội đã lâu, phường Phú Lương là 1 đơn vị hành chính của 1 quận nội thành, nhưng việc đền bù đất nông nghiệp hiện nay, địa phương này vẫn dùng chính sách giá cũ để đền bù, với giá chỉ 97 triệu đồng/1 sào ruộng. Trong khi theo chính sách mới, người dân sẽ được bồi thường từ 860 - 885 triệu đồng/1 sào. Theo ông Sơn, chính bất cập trong chính sách đền bù này đã khiến việc thu hồi đất tại phường Phú Lương trở nên bất cập, khi người dân không chịu nhận tiền, không chấp nhận giao đất.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán