Top

Thị trường BĐS:

“Phát triển tích cực nhưng cần tiếp tục hoàn thiện”

Cập nhật 05/04/2011 14:40


Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) tại Hội thảo khoa học quốc tế “Quản lý đô thị, kinh tế xây dựng và quản lý BĐS” mới diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã có bước phát triển tích cực, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nhiều dự án phát triển nhà ở, KCN, văn phòng, khách sạn… đã được triển khai đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn trong cả nước.

Trong 10 năm qua, quỹ nhà ở toàn quốc thăm thêm trên 700 triệu m2, trong đó nhà ở khu vực đô thị tăng thêm 225 triệu m2. Bình quân mỗi năm diện tích nhà ở tăng thêm khoảng trên 70 triệu m2/năm. Riêng tại TP Hà Nội, mỗi năm các dự án nhà ở đô thị bình quân hàng năm đạt trên 15%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc năm 2009 là 16.7m2/người, khu vực đô thị là 19.2m2/người, khu vực nông thôn là 15.7m2/người.

Với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, hàng loạt dự án đầu tư có chất lượng cao đã được đưa vào sử dụng, góp phần đáng kể thúc đẩy sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cùng với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, hoạt động giao dịch BĐS trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt đối với các loại BĐS là công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực phát triển nhà ở và lĩnh vực BĐS cũng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Những năm gần đây, Quốc hội đã thông qua và ban hành một số văn bản quan trọng liên quan tới lĩnh vực BĐS như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh BĐS. Ngoài ra, hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền góp phần từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư kinh doanh BĐS cũng như góp phần quản lý tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Ninh, lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khiếm khuyết, bất cập cần khắc phục. Tính minh bạch của thị trường BĐS trong tất cả các hoạt động của thị trường từ hoạt động đầu tư, tạo lập BĐS đến hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê BĐS còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại các đô thị lớn dẫn tới hoạt động thị trường BĐS thiếu bền vững và ổn định.

Giá cả BĐS, đặc biệt giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội làm cho việc tiếp cận nhà ở của đại bộ phận các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp gặp nhiều khó khăn. Cơ chế, chính sách về bồi thường, GPMB, tái định cư có nhiều tồn tại, bất cập và cần phải tiếp tục hoàn thiện để hướng tới mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, chủ đầu tư và người có tài sản bị thu hồi.

Trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, chính sách đất đai cần phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để có quỹ đất hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường BĐS, đặc biệt là quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

GS.TSKH Grabovui - Viện trưởng Viện Quản lý đô thị và Quản lý BĐS Liên bang Nga: “Nhà nước cần có chính sách phát triển xây dựng nhà ở dựa trên nguyên tắc cơ bản: Ưu tiên phát triển thị trường BĐS dựa trên nguyên tắc kết hợp hiệu quả giữa Nhà nước, tư nhân và người dân; Nhà nước cần có chính sách ưu đãi một số loại hình hoạt động trên thị trường BĐS nhà ở, hỗ trợ người thu nhập thấp khi mua nhà và thuê nhà ở xã hội”.

PGS.TS Đinh Đăng Quang - Trường ĐH Xây dựng: “Thị trường BĐS nước ta mới hình thành chưa lâu so với nhiều nước trên thế giới, mặc dầu nhà nước đã quan tâm và thiết lập một hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm nên chính sách vĩ mô của Chính phủ còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đã tạo ra những “lỗ hổng quản lý” làm suy giảm hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này”.

TS Nguyễn Phạm Quang Tú - Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng: “Việc đầu tư xây dựng các dự án KĐTM và dự án nhà ở đã mang lại những thành tựu to lớn góp phần đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, dưới góc độ của lợi ích kinh tế xã hội, sự phát triển của các dự án này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của người dân, nhà nước và chủ đầu tư. Chỉ khi kết hợp được hài hòa ba lợi ích đó thì mới có thể đưa BĐS về giá trị thực của nó".


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng