Top

Phát triển nhà ở xã hội: Nên thay đổi phương thức đầu tư

Cập nhật 01/03/2016 14:37

Thị trường BĐS thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực khi lượng giao dịch ngày càng tăng, tồn kho giảm mạnh tại mọi phân khúc nhà ở, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị. Trong đó, chính sách phát triển nhà NƠXH cho người thu nhập thấp (TNT) đã giúp cho rất nhiều người nghèo, khó khăn về nhà ở có chỗ an cư ổn định nhưng theo nhận định của các chuyên gia BĐS thì nguồn cung NƠXH còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Vậy, sẽ có những giải pháp nào được đưa ra để cung đáp ứng đủ cầu?

Nên thay đổi phương thức đầu tư Nhà ở xã hội (Ảnh minh họa).

Cần đủ quỹ đất sạch

Dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ cần khoảng 1 triệu căn hộ dành cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ đáp ứng được hơn 10 nghìn căn/năm.

Với số lượng hạn chế như vậy, một nguyên nhân khiến nguồn cung phân khúc nhà ở này không đủ cầu được nhiều nhà đầu tư BĐS nghĩ đến đầu tiên chính là vấn đề quỹ đất. Một số ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu hụt nhà ở dành cho người nghèo khi mà nhu cầu về nhà ở tại các đô thị đang rất bức thiết sẽ còn kéo dài nếu như không giải quyết tốt vấn đề trên.

Cùng với đó, đã có quy định những dự án phát triển nhà ở thương mại diện tích hơn 10ha phải dành 20% quỹ đất làm NƠXH, song do cơ quan chức năng quản lý chưa chặt chẽ nên chủ đầu tư dự án thường tìm mọi cách trì hoãn thực hiện hoặc dành khu đất xấu, phần đất chưa giải phóng xong mặt bằng để xây NƠXH...

Trên thực tế, các dự án NƠXH gần trung tâm mặc dù giá cao hơn nhưng vẫn được nhiều khách hàng chọn mua, còn những dự án ở ngoại thành, hạ tầng, giao thông không thuận lợi thì cho dù có bán giá thấp cũng ít người mua.

Do vậy, đã có đề xuất được đưa ra rằng, cần ưu tiên làm NƠXH khi xây dựng lại những khu chung cư cũ ở nội đô hoặc tại những khu đất sau khi di dời công sở, nhà máy. Khi di dời công sở, nhà máy cũng phải chuyển một phần sang đất xây dựng NƠXH theo đúng quy hoạch.

Nếu được địa phương tạo điều kiện giải phóng mặt bằng và bàn giao quỹ đất sạch đúng tiến độ... đảm bảo sẽ có rất nhiều nhà đầu tư khác sẽ tham gia tích cực vào lĩnh vực này. Đồng thời, các dự án nhà ở thu nhập thấp chắc chắn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn…

Thay đổi phương thức đầu tư

Thực tế cho thấy, việc dẫn đến nguồn cung NƠXH đang thiếu hụt so với nhu cầu rất lớn hiện nay cũng một phần là do cơ chế, chính sách vẫn chưa khuyến khích doanh nghiệp “ưu ái” với loại hình nhà ở này.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bên cạnh việc được vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất... thì việc hoàn thiện các thủ tục, quy trình còn phức tạp, tốn nhiều thời gian.

Vì vậy, để tăng nhanh nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, cũng cần có sự thay đổi về phương thức đầu tư NƠXH hiện nay, ví dụ như có thể áp dụng theo cơ chế thị trường, cho phép doanh nghiệp làm dự án, rồi tính toán để ra mức giá phù hợp cho cả khách hàng và doanh nghiệp thay vì bắt doanh nghiệp phải tính chi phí theo công thức.

Đồng thời, Nhà nước sẽ xóa bỏ các ưu đãi cho chủ đầu tư hiện nay mà chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà. Do vậy, doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng giống như nhà ở thương mại, nhưng phải dành tỷ lệ từ 20-50% tùy theo từng dự án để xây nhà ở giá rẻ.

Cũng có nhiều quan điểm cho rằng, thời gian tới cơ quan quản lý nên định hướng làm nhà ở thương mại giá rẻ cho thuê hoặc mua trả góp. Nhà nước chỉ quản lý quy hoạch, còn thị trường sẽ tự cạnh tranh về giá cả. Mọi khoản tài chính, Nhà nước đều tập trung vào quỹ phát triển NƠXH, ưu tiên cho vay lãi suất cực thấp thông qua khoản bù lãi suất. Có như vậy, các dự án NƠXH mới hấp dẫn doanh nghiệp và người nghèo mới có cơ hội sở hữu nhà giá thấp.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là sự nhập cuộc quyết liệt của các địa phương nhằm tháo gỡ các thủ tục, vướng mắc, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án NƠXH và cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư để góp phần tăng nhanh nguồn cung về NƠXH, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương... Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định nguồn vốn tín dụng dài hạn, ổn định để phát triển NƠXH.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng