Không thể phủ nhận kết quả phát triển nhà ở của Hà Nội thời gian qua, song vấn đề này vẫn còn nhiều việc phải bàn.
Trách nhiệm, quyền hạn chưa được xác định rõ
Mô hình ít bị lo lắng nhất là nhà ở thương mại cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong công tác quản lý, vận hành và xác định sở hữu diện tích chung. Ví dụ gần nhất là việc hàng loạt hộ dân khu Trung Hòa - Nhân Chính kéo đến văn phòng cơ quan quản lý khu này sau khi nhận được thông báo sẽ tăng phí dịch vụ.
Tuy nhiên, đằng sau sự không thống nhất này lại là việc tranh chấp diện tích tầng 1 của các nhà chung cư. Chủ đầu tư thì cho rằng diện tích tầng 1 thuộc sở hữu của chủ đầu tư, còn người dân thì khăng khăng diện tích này là sở hữu chung nên để làm dịch vụ lấy kinh phí bù đắp chi phí dịch vụ vận hành nhà ở.
Trong khi chờ cơ quan thẩm quyền xem xét phân xử tranh cãi thì có thực tế khác là phí dịch vụ tại các khu đô thị mới đến nay chưa có khung giá chung do Nhà nước quy định, việc phân bổ giá thành cho các nhà chung cư chưa có sự thống nhất. Ban quản trị nhà chung cư được thành lập theo quy định nhưng chưa được quyết định công nhận tư cách để hoạt động. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất, một trong những nguyên nhân cơ bản là do trách nhiệm, quyền hạn các bên chưa được xác định rõ trong dự án từ khi phê duyệt đầu tư.
Thiếu thống nhất, đồng bộ
Điển hình cho sự chưa thống nhất là dự án nhà ở xã hội. Mô hình nhà ở xã hội mới bắt đầu triển khai thí điểm giai đoạn 2006 - 2007, thành phố kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 109 tỷ đồng (trong tổng kinh phí 503 tỷ đồng) cho dự án tại lô 19A thuộc ô đất CT19 khu đô thị Việt Hưng để xây 500 căn hộ cho thuê nhưng các bộ, ngành lại có ý kiến Hà Nội phải chủ động lo nguồn kinh phí này.
Đối với mảng được thành phố hết sức quan tâm là cải tạo chung cư cũ, theo ông Triệu Đình Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, tiến độ thực hiện còn rất chậm, mà vướng mắc chính là ở chỗ DN kiến nghị xem xét linh hoạt các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc trong khu vực các quận nội thành cũ đã được phê duyệt để bảo đảm cân đối thu chi cho dự án.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, có dự án thí điểm mặc dù Sở đã tăng chỉ tiêu về số tầng cao, hệ số sử dụng đất lên tới hơn 6 lần nhưng DN vẫn kêu lỗ. Với kế hoạch xây dựng lại 23 khu chung cư cũ và 77 nhà nguy hiểm, không biết đến bao giờ mới thực hiện được.
Trong các dạng nhà ở hiện nay, điều tiếng nhiều nhất là nhà tái định cư. Qua một thời gian dùng ngân sách để xây dựng quỹ nhà tái định cư, đến nay đã phát sinh một số bất cập trong quá trình đầu tư, quản lý, khai thác vận hành. Sự thiếu đồng bộ thể hiện trong đầu tư xây dựng của từng ngôi nhà cũng như trong toàn bộ dự án, nhiều khi chưa xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, xã hội đã bàn giao nhà cho dân.
Cty Quản lý nhà tiếp nhận quỹ nhà từ chủ đầu tư để bàn giao cho các hộ dân nhưng không có khoản thu để quản lý, vận hành nhà. Đã vậy, theo ông Triệu Đình Phúc, tiến độ xây dựng nhà tái định cư đang rất lình xình, đến năm 2010, Hà Nội khó thoát khỏi tình trạng thiếu nhà tái định cư trầm trọng.
4 nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở
Tại buổi làm việc với các sở, ngành về việc phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho rằng, phải đánh giá lại việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở trong những năm gần đây cũng như dự báo khả năng từ nay tới 2010. Trong đó, cần chú trọng mảng cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà nguy hiểm, với yêu cầu bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn chứ không thể để các chỉ tiêu tồn tại trên giấy.
Ông nêu ra 4 nhóm giải pháp để đẩy mạnh phát triển nhà ở, gồm tiến độ xây dựng quy hoạch phải được đẩy nhanh; các quy chế huy động vốn phải gấp rút hoàn thành để kêu gọi nhà đầu tư; đồng thời phải bảo đảm đồng bộ chất lượng với phát triển hạ tầng thông qua việc giám định thường xuyên các công trình, nhất là công trình nhà ở tái định cư.
Bên cạnh đó, sẽ lập tổ công tác khảo sát, điều tra thực trạng công tác quản lý, vận hành khu đô thị mới, khu tái định cư để hình thành mô hình quản lý, vận hành chuyên nghiệp. Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tổng rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị để đánh giá chất lượng, tiến độ thực hiện. “Chủ đầu tư nào bảo đảm tiến độ, chất lượng sẽ được làm tiếp. Chủ đầu tư nào năng lực yếu kém, không đáp ứng yêu cầu sẽ phải thay đổi, điều chuyển...” - ông Khôi nhấn mạnh.
Theo Y.L - Hanoimoi
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: