Mấy năm gần đây các cồn màu mỡ ven sông Tiền, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre sạt lở dữ dội, có cồn gần như mất trắng khiến người dân phải bỏ xứ ra đi.
Cồn Phú Đa là nơi nổi tiếng với mỏ ốc gạo sông Tiền. Ven bờ sông ngày nào dân cư đông đúc nay chỉ là bãi đất trống, bốn bề vắng lặng chỉ có gió và sóng đập vào bờ ào ạt. Ông Võ Văn Nhật, cư dân ngụ lâu đời, nói: “Từ ngày mấy ông xáng cạp, ghe hút cạn mang phương tiện tới đây hút cát mới sạt lở dữ tợn vậy. Mấy ngày nay mưa gió nên không thấy bóng chiếc xáng nào!”. Chỉ căn nhà cách xa bờ sông cả 100m, ông Nhật than theo tốc độ lở vậy chắc nhà ông qua hai mùa gió nam nữa là bị bứng mất!
Cách sau nhà ông Nhật gần trăm mét hàng chục hộ khác cũng rầu rĩ mất ăn mất ngủ với việc ly hương, thảm họa sạt lở, thai khác cát. Theo ông Nhật, cách đây khoảng bảy năm bờ sông nằm xa tít tắp, ven sông có hơn 40 hộ dân với 150 nhân khẩu sinh sống bằng nghề trồng trọt, hoa màu. Đất cồn tươi tốt nên trồng rất trúng mùa nhưng khi xáng cạp, ghe hút cát mò đến mọi thứ tan hoang.
Trước việc đất đai lở ầm ầm theo xáng cạp, người dân đất cồn đã nổi giận. Họ thấy phương tiện nào lấn vào gần đất liền thì chèo ghe xuồng ra la hét và dùng đất đá chọi. Mỗi lần như vậy các phương tiện hút cát lại dạt ra chờ đêm tối lại vào múc tiếp! Tiếng xáng múc ầm ầm làm người dân hết ngủ, cánh thanh niên trai tráng quá tức dùng đá chọi tới tấp. Cuộc chiến giữ đất cứ giằng co liên tục, phần thua thiệt luôn là người dân đất cồn.
Ráng không nổi
Cứ mỗi mùa cồn Phú Đa bị lở bứt vô gần 1km, tới nay thủy thần đã “xóa sổ” hai tổ: 11, 13, đã có hơn 20ha đất bị nhấn chìm dưới lòng sông. Giọng thủ thỉ, ông Nhật kể hai năm trước ông còn trà dư tửu hậu với các hộ ven sông như hộ ông Nguyễn Văn Dung, Võ Văn Tỉnh, Nguyễn Phong Ba... nhưng giờ không biết họ trôi dạt phương nào! Người còn đất tìm cách bán tống bán khứ cho các hộ nuôi cá tra một công chừng 25 triệu đồng để có vốn qua xứ khác sinh nhai.
Chỉ căn nhà đúc đập phá chơ vơ, ông Nhật buồn buồn: “Mấy hôm trước hộ anh Nguyễn Văn Tài còn nói với tôi sẽ ráng cầm cự tới cùng, anh mua tre nứa về làm hàng rào chắn sóng.Vậy mà vài hôm bờ kè tạm đã bị sóng gió đánh ngã nhào kéo theo nguyên vạt đất đổ ụp. Sợ ban đêm ngủ đất sụp nên anh Tài hoảng quá dọn qua Vĩnh Long ở”.
Từ cồn Phú Đa chúng tôi ngược qua cồn Lác, cồn Bùn, cồn Kiến của xã Tân Thiềng - những nơi bị tàn phá nặng nề bởi các phương tiện khai thác cát. Từ cồn Lát ngó qua cồn Bùn cư dân đông đúc ngày nào giờ còn một lõm nhỏ giữa sông nước mênh mông, nhà cửa, người dân vắng tanh. Chỉ tay qua cồn Bùn, ông Lê Thành Tâm, 42 tuổi, ngụ cồn Lát, than trời: “Mấy năm trước mấy đứa thanh niên còn từ cồn nọ lội qua cồn này chơi hoài. Cồn Bùn ngày xưa cũng lớn lắm nghen, có hơn 20ha đó, tôi nhớ khoảng gần 400 người sống trên đó”.
Bồi không kịp lở
Ông Phạm Văn Bảy, chủ tịch UBND xã Tân Thiềng, cho biết: “Cồn Bùn có diện tích khoảng 30ha, sạt lở trên 17ha, cồn Kiến diện tích 50ha, sạt lở khoảng 7ha, cồn Lát diện tích 65ha, sạt lở trên 2ha. Mỗi năm cồn Lát, cồn Bùn, cồn Kiến sạt lở trên 1ha. Nguyên nhân do sóng gió cộng thêm tình trạng khai thác cát lậu của các ghe từ Trà Vinh, Vĩnh Long qua bươi phá nên đất đai nào chịu nổi. Họ khai thác với số lượng lớn cả ngày lẫn đêm. Dù xã phối hợp với huyện nhưng vẫn không ngăn chặn xuể...”. Ông Bảy than đầu cồn này lở đuôi cồn kia bồi nhưng mật độ bồi không kịp lở. Diện tích đất cồn ngày càng eo hẹp lại.
Ông Đào Văn Trong, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, trầm ngâm: “Lớp nào sóng vùi, gió giật, lớp nào khai thác cát ồ ạt ở sông đã thay đổi dòng chảy của sông làm cồn bị “teo” dần...”. Sạt lở dữ dội đến mức nếu tuần nào ông không đến cồn Phú Đa coi như là người ở xa mới trở về nơi này! Ông kết luận: “Sạt lở như vầy ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội của bao người. Quĩ đất của xã có hạn, không thể cấp cho dân”.
Ông Đào Văn Trong, phó chủ tịch xã Vĩnh Bình, cho biết cồn Phú Đa có diện tích 396,5ha. Từ đó đến nay sạt lở khoảng 20ha đã làm 50 hộ dân phải bỏ đi các tỉnh Vĩnh Long, Tây Ninh, Tiền Giang... sinh sống.
Theo Minh Tâm - Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: