Top

Diện mạo nào cho đô thị dọc sông Sài Gòn? - Bài 1

Phát triển đô thị ‘quên’ sông Sài Gòn

Cập nhật 19/07/2018 09:10

Các chuyên gia đô thị cho rằng từ năm 1975 đến nay, phát triển đô thị ở TP.HCM chưa gắn với cảnh quan sông Sài Gòn.

LTS: Theo điều chỉnh quy hoạch của TP.HCM, khu vực dọc sông Sài Gòn cần được khai thác hết tiềm năng. Vậy diện mạo đô thị dọc dòng sông xinh đẹp này sẽ hình thành ra sao?

Bên bến tàu buýt đường sông mới xây ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM có một căn biệt thự mặt tiền hướng ra sông Sài Gòn, phía trước có một khu vườn nhỏ với thảm cỏ xanh và cây kiểng rất đẹp. Kế bên căn biệt thự này có một căn nhà lớn nhưng xây quay lưng về phía sông, chỗ giáp sông cỏ dại um tùm. Những hình ảnh tương phản như thế này chúng tôi thường xuyên bắt gặp khi ghi nhận hiện trạng đô thị dọc sông Sài Gòn hiện nay.

Chỗ hướng ra sông, chỗ thì “ngoảnh mặt”

Chủ căn biệt thự có mặt tiền với khu vườn đẹp hướng ra sông Sài Gòn cho biết anh mua căn nhà gần hai năm. Khi đó, mặt giáp sông có miếng đất bỏ không, cây cỏ um tùm. “Miếng đất này thuộc hành lang an toàn sông nên không được xây dựng công trình, tôi chỉ cải tạo lại để trồng thảm cỏ và cây kiểng cho đẹp” - chủ căn biệt thự chia sẻ và cho biết hằng ngày có rất nhiều khách đi tàu buýt đường sông sang khu vườn dạo chơi, chụp ảnh. “Nó giống như không gian công cộng vậy. Thỉnh thoảng nếu thấy ai thiếu ý thức giẫm đạp lên cỏ hoặc ngắt cây tôi mới nhắc nhở” - anh bày tỏ thêm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để cải tạo cảnh quan ở mặt tiền sông Sài Gòn như chủ căn biệt thự trên. “Tôi mua căn nhà này thì hiện trạng đã như vậy rồi. Miếng đất giáp sông là hành lang an toàn, không được xây dựng nhưng cũng có thể cải tạo làm cảnh quan nếu điều kiện kinh tế cho phép vì với những chỗ dễ sạt lở thì làm rất tốn kém…” - chủ nhân căn nhà xây quay lưng ra sông phân trần.

Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, địa phương có phần lớn diện tích nằm dọc sông Sài Gòn, cho biết theo quy định hành lang an toàn bờ sông không được phép xây dựng nhà ở, chỉ có thể cho phép làm cảnh quan dạng đơn giản, không vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn bờ sông. Về tình trạng nhà dân, căn xây hướng ra sông, căn thì quay lưng lại, ông Tú giải thích: “Do dọc sông nhiều đoạn chưa có đê kè, đường giao thông nên hướng nhà xây phụ thuộc vào vị trí của từng khu đất. Với những khu đất lớn, phần tiếp giáp bờ sông thông thoáng thường người dân xây nhà hướng ra sông. Còn những khu đất nhỏ, phía giáp sông cây cỏ nhiều nên người dân phải chọn xây nhà hướng mặt tiền ra đường phố”.


Bộ mặt đô thị ven sông Sài Gòn ngổn ngang, lộn xộn, chưa kết nối cảnh quan với dòng sông xinh đẹp này. Ảnh: TRUNG THANH


Đường đi ven sông Sài Gòn ở phường An Phú Đông, quận 12 bị đứt đoạn bởi một căn nhà sát sông. Ảnh: TRUNG THANH

Nhà nằm chắn ngang

Đi ghe xuôi dòng Sài Gòn từ thượng lưu (huyện Củ Chi) về hạ nguồn (huyện Nhà Bè) dễ dàng nhận thấy hiện nay các khu nhà ven sông Sài Gòn tập trung nhiều ở các quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức. Tuy nhiên, nếu trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm và các dãy nhà cao cấp xây dọc sông đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn (thuộc quận Bình Thạnh), còn lại hầu như chưa có khu vực nào hình thành đô thị ven sông rõ rệt, tình trạng xây dựng khá lộn xộn.

Chúng tôi thử đi đường bộ để quan sát cảnh quan dọc sông Sài Gòn từ hạ nguồn đến thượng lưu nhưng không thực hiện được vì có rất nhiều đoạn không có lối đi. Nơi thuận lợi nhất để quan sát dòng sông Sài Gòn từ đường bộ là tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (chạy qua địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi). Tuy nhiên, tuyến đê bao kết hợp với giao thông này nhiều đoạn cũng bị chia cắt, đứt đoạn.

Cụ thể, sau khi đi được nhiều kilomet dọc bờ sông Sài Gòn từ địa bàn phường Thạnh Lộc sang phường An Phú Đông (quận 12) thì chúng tôi phải dừng lại vì một căn nhà nằm chắn ngang đường, nhìn quanh không thấy lối đi khác. Kế bên căn nhà này có một khu đất trống đang san lấp để xây dựng. “Nghe nói khu đất đang san lấp này sẽ được phân lô bán để xây nhà ở. Khu này có mặt tiền nhìn ra sông rất đẹp nhưng tiếc là kế bên lại có căn nhà nằm chắn ngang đường đi nên cũng làm giảm giá trị” - một người đàn ông đang đi lùng mua đất bày tỏ.

Một cán bộ từng công tác ở dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn cho biết căn nhà trên có trước khi dự án này thực hiện. Do không thỏa thuận được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng nên căn nhà chưa được giải tỏa, làm cho tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn cũng bị ngắt quãng một đoạn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, do công tác giải phóng mặt bằng không triệt để nên hiện ngay trên tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn nhiều đoạn, đường phải chạy cắt ngang qua đất của dân, bị che mất hướng nhìn ra sông Sài Gòn.

Chậm quy hoạch dọc sông

Một lãnh đạo Sở QH-KT TP.HCM cho biết trong định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2030 có tập trung phát triển một số khu vực đặc thù như khu vực dọc sông Sài Gòn. “Sông Sài Gòn là dòng sông đô thị có vị trí và giá trị đặc biệt với TP.HCM nên cần có định hướng quy hoạch tổng thể khu vực dọc sông từ thượng nguồn đến hạ lưu, khai thác tối đa tiềm năng về sinh thái, cảnh quan, du lịch và giao thông” - vị này nói thêm.

Sông Sài Gòn rất đẹp nhưng từ sau 1975 đến nay, việc phát triển đô thị ở TP.HCM chưa gắn với dòng sông này. Song khi quy hoạch cần phải cân nhắc những yếu tố bảo vệ dòng sông, không để cảnh quan tự nhiên bị phá vỡ.

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN

DiaOcOnline.vn - Theo PLO