Top

Phát triển đô thị, phải tạo ra chất lượng sống cho người dân

Cập nhật 28/04/2009 08:35

Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Mah Bow Tan - Bộ trưởng Phát triển quốc gia Singapore - xung quanh chủ đề phát triển đô thị - vốn đang rất nóng bỏng ở Việt Nam.

Tham gia diễn đàn Hội nghị doanh nghiệp Châu Á lần thứ 19 - diễn ra tại TPHCM từ ngày 22 - 24.4 vừa qua, ông Mah Bow Tan (ảnh) - Bộ trưởng Phát triển quốc gia Singapore - không chỉ mang tới cho mọi người những kinh nghiệm về chống khủng hoảng tài chính của Singapore, mà còn nhiều bài học hết sức quý báu về phát triển đô thị ở Singapore. Ông cho biết:

- Cách đây hơn nửa thế kỷ, Singapore cũng giống như TPHCM, cũng có nhà ổ chuột, tắc nghẽn giao thông, đường sá nhếch nhác... Để phát triển đô thị, Chính phủ Singapore đã hình thành một bộ khung, hợp nhất nhiều bộ, ngành cùng bàn bạc giải pháp quy hoạch sử dụng đất, nhằm xây dựng hạ tầng thành phố, với tầm nhìn 50 năm. Sau đó, chia nhỏ làm 20 năm, rồi 10 năm và triển khai thực hiện.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã quy hoạch thật khoa học đâu là đất dành cho sân bay, đâu là đất dành cho cảng biển... Tất cả phải tuân thủ một mục đích: Phát triển đô thị, phải tạo ra chất lượng sống tốt nhất cho người dân. Do vậy, Singapore chỉ vỏn vẹn 700km2 (bằng 1/3 diện tích TPHCM), nhưng chúng tôi xây dựng liên thông nhiều công viên, khu vui chơi giải trí...

* Các ông đã thực hiện như thế nào để có được chất lượng sống tốt nhất cho người dân?

- Chúng tôi nỗ lực phát triển Singapore dựa trên 3 nguyên tắc:

1. Phải biến Singapore thành một trung tâm dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho thế giới.

2. Phải xây dựng một môi trường sạch, có chất lượng sống tốt.

3. Phải mang lại công bằng, cho mọi người dân được hưởng chất lượng sống ấy. Các nguyên tắc trên được phổ biến cho tất cả các cơ quan thẩm quyền biết và thực hiện. Quá trình xây dựng đường sá, hạ tầng giao thông công chính, nhà cửa, chung cư..., đều phải được sự đồng thuận của người dân và mọi cơ quan liên quan.

Khi giải tỏa, di dời dân để lấy mặt bằng xây dựng, Chính phủ phải bảo đảm đưa người dân vào chung cư do Chính phủ xây dựng. Do đó, khi xây dựng đô thị, hầu hết các công trình, hạng mục đều được triển khai đồng bộ, thống nhất, với chất lượng, năng suất và hiệu qủa cao nhất... Nhờ vậy, hiện nay 90% dân số Singapore sống trong nhà của chính mình.

* Cách quản lý đô thị của Singapore như thế nào, để không diễn ra những ách tắc về giao thông như ở VN?

- Singapore là thành phố đầu tiên trên thế giới đặt ra quy chế kiểm soát xe ôtô chặt chẽ, sau khi chủ nhân đã sở hữu chiếc ôtô. Mỗi chiếc ôtô ở Singapore buộc phải có một giấy kiểm soát, chủ nhân mới được phép lưu thông. Giấy kiểm soát này có giá trị... đắt hơn chiếc ôtô. Ở Singapore, không phải ai có tiền cũng có thể mua được ôtô; trái lại, người ta phải đáp ứng một số điều kiện mới sắm được ôtô.

Thí dụ: Chúng tôi có chế độ thu tiền đường với từng loại xe, khi đi trên từng loại đường... Mỗi khi xe lăn bánh, đã phải trả tiền. Xe nào đi nhiều phải trả tiền đường nhiều, chứ không giống ở VN, xe ôtô tha hồ lưu thông, nhưng tiền đường thì... rất ít v.v... Đây là một biện pháp chống tắc nghẽn giao thông rất hiệu quả.

* Ông có lời khuyên nào cho TPHCM nói riêng và VN nói chung - về vấn đề phát triển đô thị - từ kinh nghiệm của Singapore?

- Điều quan trọng là có quyết tâm làm hay không và thực hiện nghiêm túc hay không? Phát triển đô thị ở TPHCM, tôi cho rằng, không nên đập bỏ hoàn toàn những cái cũ thuộc về di tích văn hoá - lịch sử, vì đó là của quý. Cần bảo đảm hài hoà giữa cái cũ và cái mới, nét cổ điển và nét hiện đại.

Khi xây dựng đô thị, các ban, ngành, cơ quan liên quan phải cùng ngồi lại với nhau, thống nhất quy hoạch và cùng làm. Bởi vì xây dựng hạ tầng đô thị rất tốn kém. Một trục trặc, bất đồng, trùng lắp, xây xong rồi sửa đi sửa lại... là vô cùng lãng phí.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động