Top

“Phát sốt khi được thông báo nhận nhà”

Cập nhật 27/08/2020 10:44

"Tháng 9 tới, tôi phải nhận nhà, ông có tiền cho tôi mượn tạm đôi trăm triệu để tất toán trước cái tiền vay mua nhà với. Đợt này dịch dã bí quá, cơ quan chỗ tôi thì giảm lương, trong khi chỗ vợ cũng đang bắt đầu nghỉ luân phiên. Tôi mượn tạm đến cuối năm rồi xoay họ hàng trả ông" - Tuấn, một người bạn mở đầu cuộc gọi lúc 21h tối với người viết.



Giấc mơ không trọn vẹn bởi Covid-19

Tuấn kể, giữa năm ngoái, gom góp được một khoản tiền, hai vợ chồng quyết định xuống tiền mua một căn hộ chung cư tại Hà Đông trả góp theo tiến độ với giá gần 2 tỷ đồng.

Trong đó, 900 triệu đồng là tiền tiết kiệm và bố mẹ hai bên cho, với cơ chế ưu đãi miễn gốc và lãi trong vòng 18 tháng, hai vợ chồng đóng khoảng gần 600 triệu, ứng với 30% tiền đầu tiên, còn lại vay 65% ngân hàng, tương ứng khoảng gần 1,1 tỷ đồng

Hơn 300 triệu đồng còn lại, hai vợ chồng gửi tiết kiệm ngân hàng và tính toán trong thời gian 18 tháng ưu đĩa không phải đóng tiền, sẽ cố gom góp thêm khoảng 300 triệu đồng nữa thì đến lúc nhận nhà sẽ tất toán luôn một phần nợ gốc với ngân hàng thì mức trả gốc lãi vay hàng tháng lúc hết ưu đãi sẽ chỉ còn hơn chục triệu.

Tính toán với mức thu nhập 2 vợ khoảng 40 triệu đồng/tháng thì vừa đủ tiêu, vừa đủ trả lãi ngân hàng lại tiếp tục tiết kiệm được để tất toán tiếp nợ gốc, cứ thế mà lãi và gốc giảm đều đi.

Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi dịch bệnh bùng phát, cơ sở giáo dục chỗ vợ phải tạm ngừng hoạt động, trong khi cơ quan công ty môi giới bất động sản của Tuấn cũng phải giảm tới 50% lương cơ bản khiến thu nhập giảm tới phân nửa.

Hai vợ chồng đối mặt với viễn cảnh sắp phải trả lãi hàng tháng lên 15 triệu đồng, chiếm tới 3/4 tổng thu nhập hai vợ chồng hiện tại, nên Tuấn bắt buộc phải tìm cách chạy vạy vay không lãi chỗ người quen thêm được khoảng 400 triệu nữa mới để giảm nợ gốc được gần 750 triệu mới hy vọng đủ sống trong giai đoạn sắp tới.

Khi được hỏi về việc sao không làm thủ tục chứng minh thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đó xin ngân hàng hỗ trợ giảm lãi, Tuấn cho biết, cũng đã hỏi nhưng vấn đề là việc thủ tục quá phức tạp mà có giảm thì giảm không được nhiều, và thời gian rất hạn chế. Cụ thể, mức lãi suất giảm anh hỏi từ đợt trước hồi tháng 4/2020 chỉ có 0,5% mà cũng kéo dài đến tháng 8/2020 đã hết, trong khi tới đầu tháng 10/2020 hai vợ chồng mới bắt đầu trả lãi theo quy định.

Không giống Tuấn khi chưa nhận nhà, thế nhưng, từ tháng 3/2020 đến nay, Hương, bà chị cùng cơ quan cũ của người viết cũng đang bấn loạn với chuyện làm sao có tiền trả lãi và gốc hàng tháng lên tới 15 - 16 triệu đồng. Chị mua chung cư theo hình thức vay 65% và nhận nhà từ dịp Tết nguyên đán, công việc bán hàng online trước đây mang về cho chị khoảng 30 triệu đồng/tháng

Với một đứa con nhỏ, cùng sự hỗ trợ phần tiền từ chồng cũ trong việc nuôi con, chị tính toán vẫn đủ hàng tháng chi trả khoản lãi và gốc này. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát, hàng online của chị lèo tèo khách mua, thu nhập sụt giảm tới một nửa, hàng tháng chị vẫn cứ phải chạy vạy vay chỗ nọ, mượn chỗ kia mới đủ tiền trả lãi, đồng thời mới đủ tiền nuôi con.

Hết đợt dịch lần đầu tiên, công việc lại bắt đầu cải thiện ổn ổn trở lại thì tới cuối tháng 7/2020, đợt dịch bùng phát đợt 2 lại khiến công việc bán hàng online điêu đứng.

"Chẳng biết có nên bán nhà rồi hai mẹ con quay lại đi ở thuê không nữa, chứ giờ không đủ sức. Nhưng bán thì tiếc quá, mãi mới có quyết tâm mua nhà mà bây giờ lại phải bán đi", chị Hương than thở.

Thêm tháng dịch là thêm nỗi lo

Thực tế, Tuấn hay chị Hương chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị thất nghiệp, giảm lương và đang chật vật với khoản vay mua nhà trả góp. Không quá khó để thấy, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, ngày càng nhiều than thở về việc nếu tình hình dịch không thuyên giảm mà tiếp tục kéo dài 2 - 3 tháng nữa thì không thể chống đỡ nổi, bởi chi phí sinh hoạt, tiền nuôi con nhỏ rất tốn kém mà nhiều người lại chưa có tích trữ nhiều.

Giải pháp mua nhà hình thành trong tương lai đã tạo điều kiện cho một bộ phận người dân có cơ hội sở hữu "tổ ấm trong mơ" của mình, thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Nhiều nhóm cư dân mua nhà đang kêu gọi ngân hàng đưa ra chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho người mua nhà do thu nhập bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trả nợ, tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc trông chờ sự hỗ trợ từ ngân hàng là không hề dễ, bởi các ngân hàng cũng là những đơn vị kinh doanh, phải cân đo đong đếm nguồn thu, chi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một cán bộ tín dụng tại TPbank cho biết, việc triển khai hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đa phần không dễ. Bởi thực tế hồ sơ làm thủ tục vay vốn của nhiều khách hàng có vấn đề, khó chứng minh thu nhập sụt giảm ở mức độ nghiêm trọng bởi rất nhiều người kinh doanh tự do, nên nếu làm thủ tục đễ hỗ trợ giãn nợ sẽ khó được ngân hàng chấp nhận. Ngay cả có chứng minh được thì ngân hàng cũng sẽ phải thẩm định và xem xét từng trường hợp cụ thể và không phải tất cả các trường hợp đề xuất đều được xét duyệt.

Ở một góc độ khác, theo một chủ đầu tư dự án chung cư tại Nam Từ Liêm, việc người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng phải xin thanh lý hợp đồng cũng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua.

"Với những người mua nhà theo hình thức vay ngân hàng thì cứ theo tiến độ bàn giao sẽ nhận được tiền giải ngân từ ngân hàng. Thế nhưng, khó nhất là nhóm khách hàng tự chủ động đóng theo tiến độ, mà bây giờ gần bàn giao, thu tiếp tiền của nhóm này không hề dễ dàng. Chúng tôi đã gửi giấy thông báo nộp tiền đợt tiếp theo từ đợt trước rồi nhưng tới nay mới có vài khách hàng tới đóng", vị lãnh đạo nói và cho biết thêm, chưa kể, dịch trở lại cũng khiến đợt mở bán cuối cũng có nguy cơ không thành công.

Với những trường hợp kéo dài thời gian thanh toán nhận nhà, theo vị này doanh nghiệp vẫn có thể hỗ trợ nhưng khách hàng cũng phải chia sẻ là chịu phần lãi mà doanh nghiệp phải chịu khi phải đóng tiền ngân hàng. Với bối cảnh thị trường như hiện nay, giữa doanh nghiệp và khách hàng cần linh động để hỗ trợ, chia sẻ cho nhau để vượt qua thời điểm khó khăn.

DiaOcOnline.vn – Theo TNCK