Top

Vay tiền “lướt sóng” đất: Tưởng lãi to, ai dè “còng lưng” gánh nợ

Cập nhật 26/08/2020 09:20

Hiện nay, giá nhà rẻ là cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực tài chính xuống tiền “ôm hàng, chờ thời” song nếu mua để “lướt sóng” mà phải vay nợ quá nhiều thì phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhiều gia đình đã phải rao bán nhà do gặp khó khăn về kinh tế. Ảnh: T.T

Thấy bạn bè đầu tư “lướt sóng” chung cư bằng cách mua đi bán lại chỉ trong vòng 1 năm đã có tiền mua ô tô, gửi tiết kiệm thu lời vài trăm triệu đồng, anh Quân (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đánh liều tham gia.

Đầu năm 2020, anh Quân gom tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng, mượn thêm số tiền để dành dưỡng già của bố mẹ hai bên đầu tư “lướt sóng” 2 căn chung cư.

Trong đó, 1 căn có diện tích hơn 70m2 trong một khu đô thị cao cấp ở Hà Đông Hà Nội với giá 2,2 tỷ đồng, 1 căn có diện tích 90m2 ở Đông Anh Hà Nội với giá gần 1,3 tỷ đồng.

Thời điểm đó, các môi giới cam kết, chỉ cần bỏ ra khoảng 30-40% tiền đóng mua nhà, số còn lại thanh toán dần theo tiến độ. Sau khi dự án bàn giao chắc chắn mỗi căn nhà sẽ “ăn chênh” ít nhất được khoảng 1-2 giá/m2, dễ dàng đút túi cả trăm triệu đồng.

“Tôi mua nhà từ tháng 4/2020, vay ngân hàng khoảng 40%, theo dự kiến là khoảng tháng 6-7 cư dân về ở, hạ tầng xung quanh hoàn thiện, giá nhà sẽ tăng cao, lúc đó bán sẽ thu lời. Tuy nhiên, đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn, thị trường giảm nhiệt nên giá nhà “đứng yên tại chỗ”, anh Quân nói.

So với thời điểm ký hợp đồng mua nhà, dự án BĐS mà anh Quân đầu tư không tăng giá, thậm chí trên thị trường nhiều nhà đầu tư đua nhau bán “cắt lỗ” với giá rẻ hơn cả trăm triệu đồng.

Không những chịu cảnh “chôn vốn” cả tỷ đồng, mỗi tháng người đàn ông này còn phải “còng lưng” trả nợ cả gốc lẫn lãi tiền mua nhà hàng tháng lên tới vài chục triệu đồng.

"Nếu tình hình này kéo dài chắc chắn tôi sẽ phải tính đến việc cắt lỗ để thu hồi vốn nhanh, tránh áp lực tài chính mệt mỏi cho bản thân", anh Quân chia sẻ.
Theo các chuyên gia, thời điểm này thị trường vẫn còn cơ hội đầu tư song sẽ là "cuộc chơi" của những nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính. Ảnh minh họa

Vừa chấp nhận cắt lỗ gần 100 triệu đồng cho 2 căn hộ trong một dự án BĐS ở khu vực Hà Đông (Hà Nội), anh Sơn (43 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đây là phương án duy nhất trong bối cảnh thị trường ảm đảm hiện nay.

“Mỗi tháng tôi phải thanh toán với ngân hàng hơn 40 triệu đồng tiền vay nợ. Theo tính toán, từ nay cho đến đầu năm 2021, khả năng giá nhà vẫn đi ngang, khó tăng, thị trường giảm nhiệt, đầu ra khó khăn, nếu không bán lỗ khó có thể ra được hàng”, anh Sơn chia sẻ.

Trên các kênh mua bán bất động sản, các từ khóa “cắt lỗ nhà”, “cần tiền bán gấp”, “bán nhà thu hồi vốn”... xuất hiện khá nhiều. Không ít chủ nhà chấp nhận cắt lỗ vài trăm triệu đồng để nhanh thu hồi vốn.

Đơn cử chủ sở hữu một căn hộ 70m2 ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, mua nhà từ năm 2019 với giá 31 triệu đồng/m2, giờ đã phải giảm xuống còn dưới 30 triệu đồng/m2, lỗ khoảng 80 triệu đồng.

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, các phân khúc đều "thấm đòn" ảnh hưởng.

Điều này gây khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính và khả năng chi trả của người dân. Hiện nay, không chỉ doanh nghiệp BĐS mà nhà đầu tư và người mua nhà để ở đều gặp khó khăn. Tỷ lệ nhà đầu tư bị ảnh hưởng do không bán được, giảm thu nhập, không có tiền trả lãi vay ngân hàng… đang ngày càng tăng cao.

Dù thị trường vẫn có cơ hội cho các nhà đầu tư song ông Hiển cho rằng, đây không phải là "cuộc chơi" dành cho những người "ăn xổi", "lướt sóng" mà phải có chiến lược mang tính chất trung và dài hạn. Các sản phẩm đầu tư phải có tính bền vững, phát triển ổn định.

"Trong bối cảnh này, nếu nhà đầu tư vay từ 30-50% để đầu tư “lướt sóng” BĐS thì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng để tránh rủi ro. Bởi nhiều khả năng giá nhà trên thị trường từ nay đến hết quý I/ 2021 sẽ đi ngang hoặc xuống nếu khu vực đó không có biến động lớn về hạ tầng", ông Hiển nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho hay, đến sát thời điểm xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai, thị trường vẫn đang tốt.

Nhưng cho đến thời điểm này khi dịch bệnh chính thức tái bùng phát, nhiều dự án BĐS đã phải tạm ngưng để “nghe ngóng” và “xem xét”. Đặc biệt, tháng 7 âm lịch cũng sẽ tác động ít nhiều đến tâm lý khách hàng cũng như thị trường.

Hiện nay, giá nhà rẻ là cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực tài chính xuống tiền “ôm hàng, chờ cơ hội” song nếu mua để “lướt sóng” mà phải vay nợ quá nhiều thì phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Bởi lẽ việc đầu tư ngắn hạn sẽ chỉ phù hợp trong thời điểm thị trường sôi động, tính thanh khoản nhanh. Trong khi thời điểm này, thị trường vẫn cần một khoảng thời gian để hồi phục sau dịch.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí