Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ dốc lực cùng tìm cách gỡ “điểm nghẽn” về vốn cho dự án trọng điểm này.
Chiều 17-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND TP về tình hình kinh tế-xã hội chín tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Vì sao tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đội vốn 30.000 tỉ đồng là vấn đề nóng được các ĐB phân tích, mổ xẻ để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV dự kiến khai mạc đầu tuần tới.
Đội vốn 30.000 tỉ đồng, vì sao?
Câu chuyện này bắt nguồn từ phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH chiều 12-10. Tại đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết vấn đề rất lớn đang tồn tại khiến dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên bị đình trệ mà chưa được quan tâm tháo gỡ, đó là việc đề nghị tăng số vốn đầu tư quá lớn. Cụ thể, dự án được phê duyệt với dự toán ban đầu là 17.000 tỉ đồng nhưng sau đó TP.HCM đề nghị tăng thêm 30.000 tỉ đồng. Cho đến thời điểm này dự án vẫn chưa thực hiện phê duyệt tổng mức đầu tư.
Giải trình tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH TP, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết dự án metro 1 có tổng vốn đầu tư 2,49 tỉ USD (hơn 47.000 tỉ đồng). Dự án được khởi công tháng 8-2012 với chiều dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Lý giải nguyên nhân đội vốn, ông Quang cho hay năm 2006 đơn vị được giao lập dự án đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South) chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên tổng mức đầu tư dự án được lập khi đó chỉ 17.000 tỉ đồng. “Sau khi tổng mức đầu tư 17.000 tỉ đồng được duyệt, chúng ta đã ký hiệp định vay số 1 với phía Nhật Bản vào năm 2007 với số tiền là 4.000 tỉ đồng” - ông Quang nói và cho biết cuối năm 2006 dự án được giao về cho TP.HCM.
Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên cần được giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn để “về đích” đúng thời hạn. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Từ tháng 1-2008, đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu, an toàn... là chưa phù hợp. Sau đó NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỉ đồng.
Để đảm bảo thận trọng, TP.HCM đã mời các công ty của Singapore thẩm tra độc lập và kết luận tổng mức đầu tư trên là phù hợp. Sau đó Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) cam kết sẽ xem xét việc tăng vốn ODA cho dự án.
Đến năm 2010, TP đã có báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh này. Sau khi lấy ý kiến các bộ GTVT, Tài chính, KH&ĐT, tháng 8-2011 Thủ tướng có công văn đồng ý để UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án và triển khai các bước tiếp theo.
Đến tháng 9-2011, UBND TP đã ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này là 47.000 tỉ đồng. “Khi được duyệt, chúng ta mới đi vay tiếp. Tổng vay đến giờ đã là 31.000 tỉ đồng. Nếu nói dự án điều chỉnh vốn quá lớn, chưa được phê duyệt là không chính xác” - ông Quang nói.
Đã báo cáo cụ thể với các bộ để trình Quốc hội
Ông Quang cho biết thêm: Theo nghị quyết của QH, dự án có vốn từ 35.000 tỉ đồng phải trình QH phê duyệt. Do đó tháng 5-2011, TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT kiến nghị báo cáo QH về công tác điều chỉnh vốn dự án.
“Hằng năm UBND TP đều có báo cáo với Bộ GTVT và Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo QH về dự án. Chúng tôi xin khẳng định rằng đây là dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng giao thông, hết sức quan trọng với sự phát triển của TP. TP đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị chứ không phải thiếu trách nhiệm” - ông Quang nói.
Sau khi nghe giải trình, các ĐBQH của Đoàn TP.HCM thống nhất sẽ có kiến nghị về vấn đề này tại kỳ họp thứ 4 tới đây. ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng cần rà soát xem trong năm 2011 và 2012 Chính phủ đã có hai báo cáo cho QH rồi nhưng QH đã xem xét, phê duyệt hay chưa.
Đồng tình, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng cần xem lại việc QH chưa phê duyệt là do Thủ tướng chưa trình QH hay đã trình mà QH chưa thông qua để làm rõ các vấn đề nêu ra trên đây.
88% với hơn 41.000 tỉ đồng, đó là tỉ lệ vốn ODA chiếm trong 47.000 tỉ đồng vốn toàn dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Số còn lại là vốn đối ứng ngân sách TP - 12%.
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, nếu như sự điều chỉnh vốn tăng thêm này là khách quan, hợp lý, cần thiết và thấy được lợi ích tối ưu của nhân dân TP.HCM và của cả nước thì cần thiết phải phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án này.
“Bây giờ ngay tại cuộc họp này, tôi kiến nghị bổ sung nội dung này vào chương trình làm việc để QH thông qua. Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT xem xét hết rồi. TP cũng đã có tư vấn độc lập, khách quan rồi... thì không có lý mà không kiến nghị QH phê duyệt dứt điểm cái ách tắc này, để kéo dài không tốt” - ông Nghĩa nói.
Kết lại vấn đề, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh đây không phải là chuyện riêng của TP.HCM, nó là câu chuyện chung vì liên quan đến câu chuyện ODA, là chuyện chung của cả nước. “Dự án này phải có nghị quyết của QH thông qua làm căn cứ thực hiện. Vì vậy Đoàn ĐBQH sẽ có ý kiến với QH để tiến độ dự án không bị ảnh hưởng” - ông Khuê cho hay.
Ba kiến nghị cấp thiết
Trước tình hình cấp thiết phải giải ngân vốn để hoàn thành công trình đặc biệt quan trọng này, ông Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM) kiến nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị Thủ tướng trình QH xem xét, quyết định về tổng mức đầu tư của dự án tại kỳ họp QH sắp tới.
Về lâu dài, ông Quang kiến nghị Đoàn ĐBQH cần đề nghị Thủ tướng chỉ đạo việc giải ngân vốn ODA được thực hiện theo tiến độ dự án và theo hiệp định vay. Điều này góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án và tránh các hệ lụy liên quan.
Về giải pháp trước mắt, theo ông Quang, Đoàn ĐBQH đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay việc ứng trước kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 nhằm đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2017 và đầu năm 2018.
DiaOcOnline.vn - Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: