Top

Ông Lê Hoàng Châu: TQ phá giá tiền chưa ảnh hưởng lớn đến BĐS Việt Nam

Cập nhật 14/08/2015 14:50

Thị trường bất động sản nước ta hiện nay đang nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu, trang thiết bị nội thất, ngoại thất từ Trung Quốc nên trước mắt có thể chưa bị ảnh hưởng gì lớn.

 Ông Lê Hoàng Châu. Ảnh minh hoạ

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị lên Chính Phủ và các cơ quan ban ngành về quan ngại bong bóng BĐS lặp lại.

Cụ thể, theo văn bản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA có bày tỏ quan điểm về việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ những ngày qua.

Cụ thể, ông Châu cho rằng điều này sẽ có tác động trực tiếp đến nền kinh tế cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản nước ta hiện nay đang nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu, trang thiết bị nội thất, ngoại thất từ Trung Quốc nên trước mắt có thể chưa bị ảnh hưởng gì lớn.

"Vấn đề cần quan ngại là việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể tác động đến hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, đến việc làm của người lao động, đến tăng trưởng GDP, đến thu nhập và sức mua của người dân, từ đó sẽ có thể có tác động tiêu cực ở một mức độ nào đó đến thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn", ông Châu bày tỏ.

Theo đó, ông Châu cũng cho rằng đây là một vấn đề đáng lưu tâm trong BĐS.

Về quan ngại bong bóng BĐS trở lại, HoREA khẳng định chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản trong năm 2015 và có thể cả năm 2016, bởi lẽ, nền kinh tế nước ta chỉ mới đang trên đà hồi phục.

Tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12,51%, năm 2014 ở mức 12,62%, dự kiến năm 2015 cũng chỉ ở mức khoảng 16%, trong lúc mức tăng trưởng tín dụng năm 2007 là năm đỉnh điểm của "bong bóng" bất động sản lên đến 37,80%.

Chính phủ đang giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đang thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và linh hoạt, đang tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện nay, không có tình trạng buông lỏng tín dụng, nợ xấu được kiểm soát và đang dần trở về mức hợp lý.

"Có một yếu tố đáng quan ngại là phân khúc bất động sản cao cấp đang có chiều hướng phát triển rất lớn, rất nhiều, rất mạnh, nhưng có thể nhận định vẫn còn trong tầm kiểm soát, Giao dịch bất động sản hiện vẫn đang diễn ra bình thường; Chưa xuất hiện hiện tượng đầu cơ, đẩy giá ảo trên thị trường bất động sản", HoREA nhận định.

Thống kê của CBRE cho thấy, Quý 2/2015 đánh dấu một kỷ lục mới trong lịch sử tiêu thụ hàng quý với hơn 10.000 căn đã bán bao gồm cả dự án mới và đã chào bán trước đó.

Đặc biệt, Khu đông Sài Gòn có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Quý 2/2015 được ghi nhận là quý có số căn hộ cao cấp mở bán theo quý đứng thứ nhì trong lịch sử ( khoảng 4.500 căn).

Hầu hết các dự án cao cấp đã tăng giá bán trong giai đoạn/ lần mở bán sau, giá sơ cấp trên thị trường cao cấp tăng nhẹ 3,2% so với quý trước đạt 1.781 USD/m2.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Đồng hành