Hiện nay, ở những nước phát triển trên thế giới hình thức thuê nhà rất phổ biến. Trong khi đó ở Việt Nam, thu nhập trung bình của người dân còn thấp thì giá BĐS của chúng ta luôn vào mức cao chót vót ngay cả khi so sánh với khu vực. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 4% tổng số nhà ở đô thị của cả nước. Thế nhưng đa số các doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển các căn hộ cao cấp và bỏ ngỏ thị trường nhà giá rẻ, nhà xã hội, nhà cho thuê.
Người dân lơ mơ
Trong khi nhiều dự án chung cư, căn hộ trung và cao cấp dự báo sẽ vẫn gặp khó khăn trong năm 2012 thì việc phát triển thị trường nhà ở cho thuê thực sự cần thiết. Tuy nhiên từ bao đời nay, người Việt Nam đã có tư duy về tư hữu nhà cửa, làm “của để dành” cho các thế hệ con cháu nên thay đổi quan niệm không thể một sớm một chiều. Đồng thời hiện trạng nhà cho thuê hiện nay đang là những rào cản đầu tiên để thị trường phát triển. Chị Thu Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đi thuê nhà từ ngày lên Hà Nội cũng gần 10 năm rồi nhưng chất lượng nhà thuê thì chẳng có mấy cải thiện. Giá thuê, điện nước cứ tăng lên vùn vụt, trong khi an ninh khu nhà trọ chẳng bao giờ đảm bảo thì làm sao mà an cư được. Cứ thuê một thời gian, tôi lại phải đi tìm chỗ thuê mới”. Chị Hồng không phải người lao động duy nhất đang “vật lộn” với cảnh thuê nhà bởi đây là hoàn cảnh tương tự của phần lớn người lao động tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Chỉ có một bộ phận nhỏ nhà cho thuê có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đảm bảo nhưng dành cho… người nước ngoài là chính. Theo GS Đặng Hùng Võ: “Ở các nước người dân chọn thuê nhà còn phổ biến hơn là mua nhà để sở hữu. Họ có luật bảo vệ và đảm bảo tính ổn định cho người đi thuê. Lấy ví dụ như trong hợp đồng thuê nhà các nước quy định rất rõ ràng, trong trường hợp người đi thuê thì tài sản trong thời gian đi thuê thuộc về người đi thuê chứ không phải người cho thuê. Trong khi ở Việt Nam quan điểm ngược lại hoàn toàn”.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt trọng tâm, định hướng vào phát triển nhà giá rẻ và Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng đề án “Nhà ở cho thuê”. Nhưng để các chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì cần có những cơ chế quản lý chặt chẽ. UBND TPHà Nội đã triển khai thí điểm cho thuê nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại dự án CT19A và CT21 Khu ĐTM Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội). Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng khi có mặt ở tại khu nhà trên, chúng tôi nhận thấy từ chính sách đến thực tế vẫn là một khoảng cách dài. Chị Lan, một cư dân tại KĐT Việt Hưng cho biết: “Hồi đầu mỗi ngày ở khu nhà này phải có đến khoảng 20 xe ô tô chở đồ vào cho hộ dân. Lương công chức nhưng toàn thấy mua sắm đồ xịn cả, chẳng mang đồ cũ đến đâu. Thậm chí có nhà đi hẳn ô tô. Trong khi đó thì nhiều công chức khác vẫn đang vất vả làm đơn xin thuê nhà ở đây”. Hình thức cộng đồng giám sát khu chung cư hoạt động rất hiệu quả trên thế giới. Người đi thuê nhà luôn trong tầm giám sát như người đến ở có nhà nơi khác hay không, có chuyển nhượng bất hợp pháp không… Vì thế phát huy sức mạnh của cộng đồng giám sát cũng là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự ổn định, bề vững và công bằng cho những người đi thuê nhà ở Việt Nam.
Doanh nghiệp thờ ơ
Phát triển nhà ở cho thuê không chỉ góp phần cải thiện tình trạng thiếu nhà tại các đô thị mà còn giúp cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Thế nhưng các DNvẫn không mấy mặn mà. Trong năm 2011 rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chuyển sang kinh doanh chung cư mi ni và thị trường đang phát triển tốt. Nhưng chung cư mi ni đang tắc về sổ đỏ. Thế nên nếu chúng ta làm tốt, tập trung từ chính sách quản lý, độ tin cậy của người tiêu dùng, nhà đầu tư hưởng ứng thì khu vực giá rẻ sẽ sôi động và tạo điều kiện cho những người lao động có thể thuê, mua nhà hợp lý. Theo quan điểm của một DN trong lĩnh vực BĐS, muốn có nhà giá rẻ thì liên quan đến một loạt chính sách vĩ mô liên quan đến điều tiết giá và hỗ trợ giá. Cụ thể năm 2011 có một vài đơn vị bán nhà cho người có thu nhập thấp nhưng có rất nhiều khúc mắc trong quy định: Đã mua mà không được bán thì xem như không phải là hàng hóa. Trong khi đó, sản phẩm nhà ở là một loại hàng hóa. Nếu không phải hàng hóa thì là cái gì? Rất nhiều người băn khoăn và người ta đã không chọn mua nhà đó.
Không có những cơ chế ưu đãi thu hút DN đầu tư vào thị trường nhà ở giá rẻ cho thuê từ quỹ đất, giá thành… Người dân vẫn bán tín bán nghi với những căn nhà cho thuê thì để trả lời câu hỏi “ở nhà thuê có phải là an cư không” chắc ngay cả những người có kinh nghiệm nhất cũng phải thốt lên rằng: chỉ có thời gian mới trả lời được. Và người lao động lại tiếp tục bài toán cơm áo gạo tiền và an cư để lạc nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: