Theo báo cáo từ UBND quận 9, TP.HCM, địa phương này có gần 200ha thuộc dự án trong tình trạng “treo”. Ngoài ra, tại quận 2 và Thủ Đức cũng có những dự án bất động sản sống trong cảnh xây dựng hoài không xong.
Khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi tại khu Đông cỏ mọc um tùm không người ở. Ảnh: Gia Huy |
Để kích được giao dịch và hình thành cộng đồng dân cư ở những dự án đã xây dựng nhưng vắng bóng người thì thành phố phải hoàn thiện tuyến đường vành đai từ Cầu Phú Mỹ qua ngã tư Bình Thái quận Thủ Đức để tách dòng xe tải lưu thông tại đây |
Cụ thể, dự án nhà ở Đông Tăng Long được triển khai hơn 10 năm nay nhưng hiện nay vẫn còn ngổn ngang, chỉ có một số ít nhà được xây dựng, còn lại vẫn trong tình trạng hoang hóa. Hay dự án nhà ở của Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận cũng chỉ có một vài nhà xây dựng, còn lại bỏ không.
Ngoài ra, dự án khu dân cư Tam Bình 2 (khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) được kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa rục rịch triển khai. Hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch “dài cổ” chờ ngày dự án thực hiện. Sau 10 năm, dự án mới chỉ nằm trên giấy.
Tương tự, một dự án khác cũng gây nhiều bức xúc cho người dân nằm trong khu quy hoạch là dự án ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến giữa năm 2016 cơ quan có thẩm quyền mới cho biết vẫn đang bố trí vốn để cắm mốc.
Hay ngay chân cầu Rạch Chiếc là dự án Khu đô thị Rạch Chiếc A cũng đã bị bỏ hoang hơn 10 năm nay. Đặc biệt, 112 căn biệt thự do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô thuộc khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) xây dựng đã hình thành nhiều dãy nhà biệt thự nằm ngay những con đường nội bộ đẹp mắt. Nhưng, các khu nhà này giờ đang xuống cấp nặng do bị bỏ hoang phế nhiều năm, bên trong được rào kín, một số nơi là điểm chụp hình cưới lý tưởng cho những đôi vợ chồng sắp cưới…
Ngoài ra, Công ty Đức Khải cũng đang “ôm” một diện tích đất hơn 23.000 m2 nằm cạnh dự án Đảo Kim Cương để thực hiện dự án khu dân cư và khu nhà ở Bình Trưng Tây, vốn đầu tư 1.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án này vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện gì, ngoài bờ tường rào bao quanh toàn bộ dự án, bảng hiệu dự án ngay cổng chính cũng rơi mất, nhiều nơi khác cũng bắt đầu xuống cấp.
Bên cạnh đó, còn phải nhắc tới dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi rộng hơn 160ha, trong đó nhiều dự án biệt thự, nhà phố, chung cư xây dựng hoàn thiện và đã bán hết cho người dân nhưng vẫn bị bỏ hoang không có người ở.
Một báo cáo cuối năm 2016 của UBND quận 9 gửi UBND TP.HCM cho biết quận hiện có gần 200 ha diện tích đất dự án “treo”. Số lượng diện tích đất ‘treo” này thuộc dự án của một số trường đại học, trường chuyên ngành và trường cao đẳng, ký túc xá dự kiến xây mới gồm có: Trường Đại học Kiến trúc (quy mô 40 ha), Trường Đại học Kinh tế (50 ha), Trường Đại học Luật (30 ha), Đại học Marketing (15 ha), Nhạc viện thành phố (20 ha), Học viện Tư pháp (9 ha), Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục thành phố (5 ha), Trường Cao đẳng và Đại học Nguyễn Tất Thành (14 ha), Trường Cao đẳng Tài chính hải quan (21 ha), ký túc xá Trường Bưu chính viễn thông…
Đối với vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong từng cho rằng, tổng diện tích gần 200ha là không ít, nếu cứ để treo lâu, đời sống người dân càng khó khăn hơn và dễ dẫn đến bức xúc. Đồng thời ông Phong cũng đưa ra giải pháp đó là cần coi lại những dự “treo” tại khu Đông, nếu dự án không thể thực hiện xây dựng được thì thu hồi đất để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đại diện một doanh nghiệp địa ốc có dự án không người ở tại khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi cho rằng, muốn xóa bỏ những dự án “treo” hay dự án xây dựng đầy đủ hạ tầng giao thông, điện nước và cả căn hộ nhưng cũng không có người ở thì thành phố cần xây dựng hệ thống giao thông kết nối với dự án hiện hữu bởi hiện nay những dự án vắng bóng người ở tại đây đều do tình trạng giao thông kết nối không đồng bộ.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nhiều dự án nhà ở không thể triển khai được do vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng.
Nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được. Chính khâu bồi thường trì trệ, kéo dài, không dứt điểm nên dự án rơi vào trạng thái trùm mền.
“Để kích được giao dịch và hình thành cộng đồng dân cư ở những dự án đã xây dựng nhưng vắng bóng người thì thành phố phải hoàn thiện tuyến đường vành đai từ Cầu Phú Mỹ qua ngã tư Bình Thái quận Thủ Đức để tách dòng xe tải lưu thông tại đây bởi những tuyến đường tại đây hiện tại xe tải hoạt động rất rầm rộ, người dân không thể về đây sinh sống bởi giao thông quá tải và rất nguy hiểm.
Đồng thời, phải làm cầu nối từ khu vực dự án Thạnh Mỹ Lợi đi qua đường Mai Chí Thọ thành cầu Rồng Ông Tố 3. Bên cạnh đó là xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 để kết nối giữa khu Đông về trung tâm TP.HCM, đồng thời TP.HCM đã có kế hoạch xây dựng mở rộng đường giao thông Nguyễn Duy Trinh nối quận 2 về quận Thủ Đức…
Như vậy sẽ tạo ra một chuỗi kết nối giao thông giữa các khu đô thị hoang và khu vực dự án “treo” giúp những dự án này hút người về sinh sống và tái phát triển đồng bộ”, ông Châu nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc HungThinh Land cho rằng, việc đền bù giải giải tỏa đất dự án bất động sản cũng cần được thành phố hỗ trợ giải quyết vì hiện nay tại khu Đông, việc đền bù giải tỏa dự án trong quy hoạch rất khó khăn, chỉ mình chủ đầu tư sẽ không thể giải quyết được, từ đó dẫn tới dự án bỏ hoang hoặc “treo” dài hạn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: