Một trong những nội dung “nóng”, được đại diện các địa phương nhắc đến nhiều tại Hội nghị toàn ngành xây dựng diễn ra cuối tuần qua là những vướng mắc khi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng chậm được ban hành. Hầu hết ý kiến đều cho biết, sự chậm trễ này khiến các hoạt động đầu tư xây dựng có nguy cơ bị gián đoạn.
Ảnh Internet
|
Cụ thể, Luật Xây dựng 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, cho đến nay, các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có.
Ông Nguyễn Bốn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, qua công tác thanh tra, địa phương phát hiện rất nhiều sai phạm về định mức đơn giá đối với những công trình xây dựng và đề xuất cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng, nhằm hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, ông Hoàng Văn Nhân lại nêu khá rõ “điểm hở” khi thiếu nghị định hướng dẫn luật, gây khó cho địa phương. Đó là việc thiếu hướng dẫn đối với công tác thẩm định xây dựng của các cơ quan chuyên ngành.
“Nhiều dự án đã được ấn định thời hạn triển khai, nhưng vì tắc vấn đề này nên địa phương rất vướng”, ông Nhân cho biết.
Như vậy, có thể thấy trước những ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng chậm được ban hành trong thời gian dài, bởi vai trò của hoạt động đầu tư xây dựng đang chiếm một vị trí trọng yếu trong hoạt động của nền kinh tế.
Để phần nào khắc phục tình trạng luật chờ văn bản hướng dẫn, ngày 30/12/2014, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 3482/BXD-HĐXD về việc thực hiện Luật Xây dựng. Đồng thời, tại hội nghị ngành nói trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, chỉ ít ngày nữa Bộ sẽ tiếp tục có thêm văn bản hướng dẫn những điểm còn vướng mắc khi triển khai sắc luật này.
Mục đích của Công văn 3482 được Bộ Xây dựng xác định là để “đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn trong khi chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện luật” và “yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và tuân thủ đầy đủ các nội dung đã được quy định…”.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn thì chỉ riêng quy định về cấp phép xây dựng đã có những bất cập mà nếu không được tháo gỡ sớm sẽ có nguy cơ làm chậm tiến độ triển khai của hàng loạt dự án trên cả nước. Chẳng hạn như việc quy định về thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở từ thời điểm 1/1/2015, áp dụng đối với công trình chưa được phê duyệt thiết kế, dự toán thì nội dung lập, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 80, Điều 83 của Luật Xây dựng 2014.
Theo Công văn 3482, thẩm quyền và quy trình tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán vẫn được áp dụng theo quy định về thẩm quyền và quy trình thẩm tra thiết kế tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư số 13/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng về Quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, việc thẩm định này cần khá nhiều thời gian, trong khi nghị định mới hướng dẫn có thể được ban hành bất cứ lúc nào, nên nhiều cơ quan chức năng sẽ găm lại chờ quy định mới cho khỏi mất công làm lại.
Một vấn đề khác là quy định về việc cấp giấy phép xây dựng được thực hiện theo quy định của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng và Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64. Theo đó, các công trình của dự án thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chủ đầu tư vẫn phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ, các dự án dạng này được miễn giấy phép xây dựng. Các DN đương nhiên rất hào hứng, nhưng nhiều cơ quan cấp phép xây dựng, địa phương lại “lăn tăn” không biết xử lý theo văn bản nào?
Điều này chì có thể được giải quyết rốt ráo nếu Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng được ban hành, bởi như quan điểm của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, những công văn hướng dẫn chỉ là để giải quyết tình thế. Giải pháp lâu dài, chính thức vẫn phải chờ nghị định, thông tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: