Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là nơi có số lượng học sinh tiểu học đông nhất Thủ đô Hà Nội nhưng chỉ có 2 trường công lập dẫn đến tình trạng thiếu trường học nghiêm trọng. Điều đáng nói, những khu đất có vị trí đẹp "mọc" lên các tòa chung cư, biệt thự sang trọng còn đất xây dựng trường học lại bị quy hoạch vào những vị trí khó khả thi như trên đất nghĩa trang, ao đình.
Một phường 82 tòa chung cư cao tầng nhưng chỉ 2 trường học
Do số lượng học sinh năm nay quá đông, trường tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) vừa quyết định tổ chức cho học sinh học theo lịch học lạ. Cụ thể, theo báo cáo của trường Tiểu học Chu Văn An gửi phòng GD&ĐT Hoàng Mai, hiện nay phường Hoàng Liệt có trên 85.000 dân, tăng 10.000 so với năm 2017, nhưng chỉ có 2 trường tiểu học công lập là Chu Văn An và Hoàng Liệt.
Do thiếu trường học nghiêm trọng, nên năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục của quận Hoàng Mai đã nghiên cứu rất kỹ mô hình học cho trường Tiểu học Chu Văn An và đưa ra phương án như: tổ chức học 4 ngày/tuần (tương ứng 8 buổi/ngày), có học luân phiên thứ 7.
Do số lượng học sinh quá đông, trường tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải đưa ra phương án lịch học khác lạ gây nhiều xáo trộn cho các gia đình học sinh phụ huynh.
|
Thông tin với báo chí, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An cho hay, với mô hình học 4 ngày/tuần, hiện tại các buổi chiều học sinh chỉ có 3 tiết học. Thời khóa biểu của trường có tạm xếp tiết trông giữ giúp học sinh ngoài giờ chính khóa để đáp ứng nhu cầu gửi con của cha mẹ học sinh. Hoạt động này do cha mẹ học sinh có nhu cầu đăng ký trên tinh thần tự nguyện.
Trước phản ánh của cha mẹ học sinh việc học 4 ngày/tuần là “học gối”, “học luân phiên”, “học lạ”, vì không thể khắc phục được ngay tình trạng học tập, nghỉ học luân phiên nên trường Tiểu học Chu Văn An thực hiện mô hình học 1 buổi/ngày. Theo đó, học sinh khối 1, 2 sẽ học các buổi sáng; học sinh khối 3, 4, 5 học các buổi chiều (từ thứ 2 đến thứ 6), bắt đầu từ ngày 17/9. Điều này khiến cho công việc cũng như sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn, nhiều phụ huynh loay hoay tìm cách gửi con để đảm bảo công việc.
Một vị cán bộ UBND phường Hoàng Liệt cho hay, Hoàng Liệt là phường nội thành có tốc độ phát triển đô thị hoá chóng mặt khi hiện trên địa bàn có 82 tòa chung cư, trong đó có 76 tòa chung cư cao tầng có dân vào ở, với nhiều khu cao 45 tầng. Dân cư của Hoàng Liệt vì thế đang tăng lên từng ngày, từng giờ.
Trước đây khi mới lên phường, Hoàng Liệt chỉ với khoảng gần 12.000 người, nhưng nay tăng đột biến với khoảng 85.000 người và sẽ không có dấu hiệu dừng lại khi hàng loạt khu đô thị, khu nhà cao tầng trên địa bàn tiếp tục xây dựng. Trong khi đó quy định quy mô của phường loại 1 khoảng 15.000 dân, có nghĩa dân số của phường này đã gấp 6-7 lần so với các phường khác.
Khu đất nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ ở khu Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) trước đây được quy hoạch dự án trường học.
|
Theo vị này, dân số tăng “không phanh” nhưng hạ tầng xã hội thì đứng im. Hàng loạt khu đô thị mới xây san sát trên địa bàn Hoàng Liệt như khu Tây Nam Linh Đàm; Pháp Vân-Tứ Hiệp…, dù đã đưa vào sử dụng với hàng nghìn căn hộ nhưng đến nay chưa có chủ đầu tư nào chịu xây trường học cho dân.
“Chỉ riêng khu chung cư HH Tây Nam Linh Đàm với 12 tòa cao từ 36-45 tầng với khoảng hơn 10.000 căn hộ và hàng vạn người sinh sống nhưng không có trường học nào được xây dựng. Trong khi các khu đất quy hoạch trường học, hạ tầng bên cạnh thì thành bãi xe lậu gây bức xúc, gây khó khăn trong việc quản lý”, vị này nói.
Thiếu trường vì bị quy hoạch ở nghĩa trang, ao đình?
Đại diện phường Hoàng Liệt cho hay, quy hoạch các khu đô thị, khu nhà cao tầng do thành phố duyệt. Trong khi đa phần các chủ đầu tư của những khu đô thị, khu nhà ở này chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà và các căn hộ để bán ít quan tâm xây dựng các công trình xã hội, trong đó có trường học.
Mới đây khi hàng trăm chủ xe ô tô "nháo nhác" trước lệnh đóng cửa bãi xe lậu lớn nhất khu Linh Đàm tại khu đất ký hiệu CC6 Tây Nam Linh Đàm với diện tích hơn 20.000m2, thì người ta mới biết khu đất này lâu nay được giao cho Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công ty Hợp Phú thực hiện dự án xây trường học và công trình công cộng.
Khu đất CC6B với diện tích hơn 20.000m2 được giao cho Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công ty Hợp Phú thực hiện dự án xây trường học và công trình công cộng nhưng mấy năm nay trở thành bãi xe lậu khủng.
|
“Phường đã nhiều lần mời hai doanh nghiệp của khu đất dự án CC6 đến làm việc, yêu cầu hai đơn vị này nếu như họ cho thuê làm bãi đỗ xe tạm thời thì phải dừng và phải triển khai dự án. Phía Công ty Hợp Phú có thông báo tới phường về việc họ xin điều chỉnh dự án. Còn khu đất còn lại ký hiệu CC6B có diện tích 13.000m2 giao cho Tổng Công ty HUD được quy hoạch xây dựng trường học nhưng nhiều năm nay chưa thực hiện", vị cán bộ cho biết.
Thậm chí, việc thực hiện quy hoạch trong đó dành quỹ đất để xây dựng trường học không đảm bảo tính khả thi, khó GPMB khi quy hoạch ở khu vực nghĩa trang, khu vực ao hồ đình làng.
Trong khi những khu đất đẹp đều được chủ đầu tư xây biệt thự, nhà cao tầng để bán, thì đất trường học lại được quy hoạch vào khu nghĩa trang dẫn đến khó GPMB và không khả thi.
|
“Trước đây có 3 dự án quy hoạch trường học trên địa bàn phường thì đều nằm trên đất nghĩa trang, đất ao đình lâu nay không triển khai vì không khả thi, vướng đủ điều. Chẳng hạn, 1 dự án trường học nằm trên khu vực nghĩa trang ở Tây Nam Linh Đàm với hàng nghìn ngôi mộ lâu năm của dân làng thì khó có thể GPMB hay việc quy hoạch trường học ở khu vực ao ở thôn đình Bằng A cũng không khả thi. Riêng dự án trường học ở khu nghĩa trang Tây Nam Linh Đàm, quận đã kiến nghị bỏ ra khỏi quy hoạch phân khu vừa được duyệt vì nó không khả thi để trồng cây xanh và mở đường”, vị cán bộ chia sẻ.
Theo khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hà Nội về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, chỉ riêng quận Hoàng Mai nhiều khu đô thị thiếu trường học trầm trọng như: Thiếu 2 trường Mầm non (KĐT Tây Nam Linh Đàm, KĐT Pháp Vân Tứ Hiệp); 1 trường Tiểu học (KĐT Pháp Vân Tứ Hiệp); 3 trường THCS (KĐT Tây Nam Linh Đàm, KĐT Pháp Vân Tứ Hiệp, KĐT Bắc Linh Đàm)….
Khảo sát cũng chỉ ra, việc quy hoạch các dự án trường học tại vị trí đất nghĩa trang, ao đình không khả thi, khó thực hiện.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: