Lời thừa nhận của vị giám đốc với PV Báo Lao Động có thể sẽ khiến hàng trăm hộ dân sống gần nhà máy rác Phương Đình và các cơ quan có trách nhiệm … giật mình.
Ông Lê Phùng Hưng, giám đốc nhà máy rác Phương Đình giới thiệu về công nghệ được cho là hiện đại hàng đầu để xử lý rác tại Việt Nam hiện nay - Ảnh: PV.
|
Sống "liền kề" nhà máy rác
Nhiều hộ dân ở xã Thọ Xuân (Đan Phượng, Hà Nội) phản ánh đến Báo Lao Động, họ thường xuyên phải hứng chịu khói và mùi rác của Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình.
Chị H. (cụm 1, xã Thọ Xuân) cho biết, ban đầu khi nhà máy xây dựng và đi vào hoạt động (năm 2016) được giới thiệu có quy trình khép kín và sẽ không ảnh hưởng gì đến cư dân xung quanh, nhưng từ khi hoạt động, nhà máy xả khói suốt ngày, đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối, khói thường đậm đặc hơn.
“Những lần nhà máy xả khói, mùi khét cùng mùi rác nồng nặc vô cùng khó thở. Nhiều hôm ăn cơm phải đóng kín cửa, che bạt bên ngoài vì mùi hắc kinh hoàng”, chị H. nói và cho biết bản thân lo lắng gia đình mình sẽ sinh bệnh nếu sống lâu trong môi trường như vậy.
Công nghệ xử lý rác dùng chất đốt bằng các khối gỗ tại nhà máy rác Phương Đình.
|
Trước đó, vào năm 2016, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra thời gian dài khiến người dân xã Thọ Xuân buộc phải kiến nghị lên các cấp chính quyền. Đại diện người dân cho biết, khu vực nhà máy rác thải nằm quá gần khu dân cư (cách khoảng 200m) như vậy là rất bất thường. Đồng thời việc nhà máy nhiều lần phải tạm dừng để sửa chữa cũng khiến người dân đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi khi xây dựng nhà máy từ Quỹ bảo vệ môi trường Hà Nội.
“Một nhà máy có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ưu đãi lên tới 70% tổng mức đầu tư, được giới thiệu là công nghệ hiện đại, tại sao lại liên tục hỏng hóc và dừng hoạt động. Có hay không việc lợi dụng chính sách hỗ trợ về môi trường để trục lợi?”, đại diện người dân bức xúc.
Lời thừa nhận
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Phùng Hưng, Giám đốc nhà máy máy xử lý và chế biến rác Phương Đình cho biết, nhà máy chính thức đi vào hoạt động vào năm 2016, trên diện tích khoảng 4,7 ha do Công ty CP Đầu tư Thành Quang (Cty Thành Quang) xây dựng.
Vị giám đốc thừa nhận, khoảng cách giữa nhà máy rác Phương Đình và khu dân cư gần nhất hiện tại chỉ khoảng 200m trong khi theo quy định tối thiểu phải là 500m.
“Tại thời điểm khởi công, khu đất xây dựng nhà máy rác được UBND TP.Hà Nội bàn giao cho Cty Thành Quang từ một dự án khác nên chúng tôi cũng không còn lựa chọn nào khác”, ông Hưng thông tin.
Về việc người dân đặt ra nghi vấn tính hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi khi xây dựng nhà máy từ Quỹ bảo vệ môi trường Hà Nội, ông Lê Phùng Hưng cho biết bản thân cũng không nắm rõ số tiền đầu tư nhà máy là bao nhiêu, trong đó bao nhiêu phần trăm là vốn vay ưu đãi.
“Vấn đề này, các anh phải làm việc với Cty (Cty Thành Quang) thì mới nắm rõ được”, ông Hưng cho biết.
Bên trong nhà máy trăm tỷ đang sửa chữa còn khá bộn bề, dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào đầu tháng 11.2018.
|
Liên quan đến việc nhà máy không ít lần phải dừng lại để bảo trì, sửa chữa trong khi mới chỉ đi vào hoạt động được 2 năm, vị giám đốc cho biết, nhà máy Phương Đình được đầu tư và xây dựng theo công nghệ đốt lò đứng mắt xích Martin kiểu đẩy ngược khứ hồi do Đức sản xuất và được Trung Quốc nghiên cứu, cải tiến, đổi mới.
“Do tính chất đặc thù của nguồn rác thải sinh hoạt ở Việt Nam, trong rác thải có chứa quá nhiều nước khiến rác có độ ẩm cao, ướt dẫn tới tình trạng tắc nghẽn. Đồng thời, cũng do phía đơn vị thu gom rác, khi thu gom lẫn nhiều vật liệu xây dựng, nhiều khi đang đốt có những mảng bêtông to hoặc cả viên gạch, dẫn tới ảnh hưởng lò đốt, gây tắc nghẽn…”, ông Hưng lý giải về việc nhà máy không ít lần phải tạm dừng sản xuất để bảo trì, sửa chữa.
Được biết, nhà máy rác Phương Đình đã tạm dừng thu gom, xử lý rác từ tháng 3.2018 và dự kiến tới đầu tháng 11.2018 mới hoạt động trở lại.
Về việc người dân phản ánh không khí ô nhiễm và tiếng ồn quá lớn, ông Hưng cung cấp cho PV một biên bản kết quả quan trắc môi trường do Viện Khoa học và công nghệ môi trường (thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện vào 29.6.2017.
“Tại thời điểm kiểm tra tất cả các chỉ số môi trường về nguồn nước, không khí và cả tiếng ồn… đều ở ngưỡng cho phép”, Giám đốc nhà máy rác Phương Đình khẳng định.
Vậy, công nghệ xử lý rác của nhà máy này do đơn vị nào thẩm định, và vì sao nhiều lần gặp trục trặc? Báo Lao Động sẽ tiếp tục phản ánh.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội cho biết, việc nhà máy rác nằm sát khu dân cư (<500m) là sai quy định của pháp luật và chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
“Có thể thời điểm xây dựng nhà máy rác nhà đầu tư và người phê duyệt dự án chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hại của việc gây ô nhiễm môi trường nên mới xảy ra tình trạng này. Hiện tại, cơ quan chức năng cần đưa ra phương án khắc phục về lâu dài (quy hoạch vùng xử lý rác hoặc di chuyển các hộ dân ra xa khu vực nhà máy rác) chứ không phải là các giải pháp tình thế”, PGS.TS Bùi Thị An đưa ra kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: