Top

Nối đường trên cao vào cửa phía bắc Tân Sơn Nhất

Cập nhật 14/03/2018 09:53

Đó là đề xuất của nhóm chuyên gia nghiên cứu 4 phương án mở rộng sân bay báo cáo với Bí thư Thành ủy TP.HCM hôm qua 13.3 về phương án kết nối giao thông nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc.


Mặt bằng phương án xây dựng đường trên cao số 1 và đường nối vào cửa phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất. ẢNH: HỘI CẦU ĐƯỜNG CẢNG TP.HCM CUNG CẤP

Kéo dài đường trên cao số 1

Cụ thể, nhóm chuyên gia Hội Cầu đường cảng TP.HCM kết hợp cùng Công ty TNHH tư vấn thiết kế B.R đề xuất xây dựng đường trên cao số 1 và đường nối vào cửa phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất (TSN). Theo thiết kế đã được phê duyệt, tuyến đường trên cao số 1 của TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 9,5 km, bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - cắt qua đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Thị Minh Khai đến ngã ba đường Nguyễn Văn Lạc đi theo đường Ngô Tất Tố để kết nối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh).

Nhóm tư vấn đề xuất kéo dài thêm tuyến trên cao số 1 này để kết nối với sân bay cũng như giảm tải giao thông khu vực phía bắc sân bay. Cụ thể, xây dựng đường trên cao số 1 theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện theo đúng quy hoạch đã có của TP. Giai đoạn 2 xây đường trên cao đoạn từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả, sẽ kết nối cầu chính, xây thêm các nhánh nối từ TSN lên cầu cạn và ngược lại. Điểm đầu giao cắt với điểm cuối của đường trên cao số 1 tại ngã ba đường Cộng Hòa và đường Trường Chinh, đi bằng theo đường Phạm Văn Bạch, dọc theo tường bảo vệ phạm vi sân bay, đến ngã ba Trần Thái Tông, sau đó rẽ phải và đi trên cao vào sân bay, đi song song với đường băng cất hạ cánh của sân bay và kết nối với đường Quang Trung. Đoạn này gọi là đường nối vào cửa phía bắc sân bay, có tổng chiều dài 5,3 km.

Ông Hà Ngọc Trường, thành viên nhóm tư vấn Hội Cầu đường cảng TP.HCM, nhận định kéo dài tuyến đường trên cao số 1 không chỉ để kết nối với sân bay TSN sau khi mở rộng, tạo thành đường chuyên dụng ra vào sân bay mà còn góp phần kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 (tuyến metro Bến Thành - Tham Lương), giảm tải giao thông đô thị. Ông Trường cho biết tuyến đường nối vào cửa bắc sân bay theo thiết kế sẽ đi qua ga Bà Quẹo và ga Phạm Văn Bạch (đoạn đi ngầm tuyến metro số 2). Đơn vị tư vấn đề xuất trên tuyến đường nối, thiết kế lối lên xuống tại 2 ga này để hành khách có thể đi đường trên cao, tới ga Bà Quẹo xuống đi metro vào trung tâm TP, hoặc đi metro từ Bến Thành đến ga Phạm Văn Bạch lên đường trên cao đi về phía sân bay.

Mở rộng về phía nam không khả thi

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về phương án mở rộng Cảng hàng không quốc tế TSN. TP cho rằng dự báo công suất mà tư vấn Pháp ADPi đưa ra cho sân bay này khá rủi ro trong trường hợp sân bay Long Thành trễ hạn.

Trước đó, tư vấn Pháp ADPi đưa ra công suất dự kiến của TSN đến 2025 chỉ là 50 triệu lượt khách/năm và giữ nguyên cho các năm sau. Theo TP.HCM, dự báo này thấp so với các dự báo khác. Cụ thể, theo mức tăng sản lượng vận chuyển hành khách 16%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì nhu cầu vận chuyển hành khách của TSN đến năm 2025 là 83 triệu lượt khách/năm và đến 2030 đạt 121 triệu lượt khách/năm. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) thì đến năm 2025 đạt khoảng 78 triệu lượt khách/năm. Còn theo báo cáo của nhóm nghiên cứu TP.HCM, đến năm 2025 đạt khoảng 78 triệu lượt khách/năm và đến 2030 đạt khoảng 110 triệu lượt khách/năm.

Vì vậy, TP.HCM đề nghị làm rõ: trong trường hợp giới hạn công suất của TSN là 50 triệu lượt khách/năm, Bộ GTVT cần xác định chính xác thời gian mãn tải của sân bay này, từ đó đề xuất các phương án khai thác sân bay quốc tế trong khu vực như Long Thành, Cần Thơ... Đặc biệt, Bộ cần phân tích chi tiết các rủi ro nếu trường hợp Long Thành, Cần Thơ không đáp ứng theo tiến độ yêu cầu về thời gian mãn tải của TSN, nhất là rủi ro trễ hạn của sân bay Long Thành.

Tư vấn ADPi đề xuất thêm tuyến đường skyline (đường sắt vận chuyển hành khách hàng không) đi qua đường Trường Sơn - công viên Gia Định - Cộng Hòa kết nối nhà ga T1, T2 và T3, đường kết nối nhanh từ nhà ga vào trung tâm TP qua đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tổng chi phí cho phương án này lên tới 35.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo TP.HCM, đề xuất của tư vấn không khả thi, cần điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch giao thông hiện có của TP cũng như quy hoạch thoát nước, chống ngập cho TSN. Cụ thể, với kết nối giữa nhà ga T1, T2 và nhà ga T3 là đường skyline sẽ trùng với tuyến đường trên cao số 1 trên đường Cộng Hòa, nhà ga đường sắt đô thị số 4b1 và số 5 tại công viên Gia Định...

Phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Bộ GTVT làm rõ tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế của phương án kết nối giao thông phía nam với TP.HCM khi công suất TSN đạt 50 triệu lượt khách/năm. Đưa chi phí kết nối giao thông đô thị vào chi phí dự án, đánh giá hiệu quả phải xem xét thêm cả chi phí kết nối giao thông, tổng hợp để báo cáo Chính phủ.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên