Cơ quan quản lý xác nhận vừa qua đất nền tăng "nóng" ở vùng ven Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương.
Nhiều người dân đến tìm hiểu mua bán đất tại xã Tân Lợi - An Khương, huyện Hớn Quản trong cơn sốt đất hồi cuối tháng 2/2021. Ảnh: Phước Tuấn.
Chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong quý I, lượng giao dịch bất động sản chỉ bằng 70% so với quý IV/2020 nhưng giá chung cư tăng 5-10% còn giá bán đất nền tăng "nóng".
Trả lời VnExpress, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, giá đất ở Thái Bình, Cần Thơ đã tăng 1,2-1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, một số nơi như Đà Năng giá đất tăng cả 100 triệu một lô, Bắc Giang tăng gấp ba lần sau một tháng hay Hải Phòng tăng hàng chục phần trăm.
Đây cũng là các địa phương chứng kiến hàng loạt thông tin liên quan đến quy hoạch đô thị, giao thông, cũng như nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện lên quận, thành phố, xã lên phường...
"Điều này khiến giới đầu cơ gom hàng, gom đất vì kỳ vọng tăng giá trong tương lai", ông Đào Trung Chính nói.
Tuy nhiên, các thông tin về quy hoạch đang có nhiều "điểm mù" do các địa phương chưa công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao.
Trong lúc chờ đợi thị trường trở nên cân bằng hơn, lãnh đạo bộ Xây dựng cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, cảnh giác với những thông tin đồn thổi về các dự án. "Phải tìm hiểu, xem xét kỹ các hồ sơ pháp lý của các dự án bất động sản và chỉ giao dịch với những bất động sản có pháp lý rõ ràng, đúng quy định", Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc đại dịch làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong khi lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức thấp, không hấp dẫn người gửi tiền, cũng khiến đất đai thực sự trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Còn theo ông Đào Trung Chính, việc Việt Nam khống chế được đại dịch đã thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm thuê đất để mở rộng sản xuất, kinh doanh khiến tăng nhu cầu mua đất nông nghiệp chuyển thành khu công nghiệp để lấy tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Không chỉ đầu tư, nhà ở còn là nhu cầu có thật của người dân, đặc biệt khi nguồn cung nhà đang có nhiều hạn chế do vướng mắc thủ tục pháp lý, đất đai, xây dựng, đặc biệt, nhà giá rẻ không được quan tâm đúng mức, như thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Để hạn chế sốt đất ảo, hiện Chính phủ đã có các chỉ đạo đến các bộ, ngành địa phương ngăn chặn, xử lý, trong đó có việc siết hơn tín dụng bất động sản; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân các khu công nghiệp. Phía Tổng cục Quản lý đất đai đã triển khai việc kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất ruộng, đất rừng hay quản lý đất ở các dự án.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng, các dự án về bất động sản, đô thị, nhà ở sẽ được đầu tư một cách đồng bộ, tạo ra những nguồn cung lớn đáp ứng được nhu cầu của thị trường ở khu vực đô thị, khu vực ngoài đô thị, đặc biệt vùng ven đô. Tương tự với các dự án liên quan về du lịch, khu đô thị, giúp tạo nguồn cung dồi dào hơn, góp phần ổn định, lành mạnh hóa thị trường, tránh tình trạng bong bóng như vừa qua.
DiaOcOnline.vn – Theo Vnexpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: