Nhà nước cần có chế tài, quản lý chặt chẽ và công khai minh bạch hơn về giá giao dịch thực trên thị trường và sử dụng hữu hiệu công cụ thuế mới có thể “phòng ngừa” được các cơn sốt đất.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính Savills Hà Nội
Trên thực tế, trong lịch sử chúng ta đã chứng kiến những cơn sốt đất nóng hơn, giá bán tăng nhiều hơn và nhiều giao dịch thực hơn hiện tại. Đơn cử như thời bong bóng bất động sản nổ ra những năm 2011 - 2012, room tín dụng vào khu vực bất động sản lên tới 35 - 40%, lãi suất ngân hàng tăng từ 12% lên 20%/năm chỉ sau một đêm.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cũng đang chứng kiến những cơn sốt đất nền đến từ hoạt động đầu cơ chứ không phải ở thực. Trên thị trường chỉ có những người mua đi bán lại, không có người ở cuối cùng. Điều này dẫn đến một lúc nào đó việc mua đi bán lại ấy không đem lại kết quả cuối cùng, không thể lập mặt bằng giá mới, mọi hoạt động mua bán dừng lại như những gì đã xảy ra trước đây.
Tuy nhiên, ở bối cảnh hiện tại, Chính phủ đã kiểm soát tín dụng vào BĐS rất tốt, nhà đầu tư vay mua BĐS không hề đơn giản, lãi suất huy động thấp, lãi suất cho vay không giảm. Không cần quá bi quan với tình huống vỡ bong bóng bất động sản. Song, việc tăng giá đất ở nhiều nơi sẽ để lại các hệ quả khó lường cho thị trường, ảnh hưởng đến công tác đầu tư. Do đó, cần có những biện pháp để ổn định lại thị trường.
Thời gian qua, các biện pháp được nhà nước đưa ra như công khai quy hoạch, cập nhật cụ thể người dân biết được khu vực nào có sự ảnh hưởng thực sự có quy hoạch mà nhà nước phê duyệt; và danh sách các dự án đủ điều kiện mở bán để đảm bảo đầu tư.
Những cơn sốt đất hiện nay không "nóng" như thời điểm 2010 - 2012, song xảy ra ở nhiều khu vực hơn.
Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ dừng lại ở mức cảnh báo, thị trường cần những công cụ để thị trường hướng đến mục tiêu bền vững, ổn định. Những biện pháp này không chỉ liên quan chỉ đến bất động sản mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19, việc đưa ra các biện pháp đúng, phù hợp, thích hợp với điều kiện hiện nay là điều thách thức.
Bên cạnh đó, có 2 điểm hạn chế trong quản lý giao dịch mua bán bất động sản ở Việt Nam khiến các cơn sốt đất bùng nổ và khó kiểm soát đó là hiện nay những người môi giới trên thị trường là những người không qua đào tạo, được cấp chứng chỉ, dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm, suy thoái về đạo đức, rất nhiều trường hợp môi giới gom mua lại đất để đẩy giá lên, gây ảnh hưởng đến thị trường.
Thứ hai là không có một cơ sở nào, cơ quan nào ghi nhận mức giá giao dịch thực của những giao dịch trên thị trường. Hầu hết các cơ quan công chứng vẫn ghi nhận mức giá mua bán nhưng giá đó không phản ánh giá giao dịch thực.
Trên thế giới, trên bất cứ căn nhà nào cũng đánh thuế, dù là căn nhà thứ nhất. Nhưng ở Việt Nam, thuế nhà đất rất thấp, nhà nước chỉ hướng đến đánh thuế giá nhà đất thứ 2, 3 chứ không đánh thuế cho căn nhà đầu tiên. Do việc triển khai chưa tốt nên việc đánh thuế chưa được thực hiện hiệu quả, việc đầu cơ vẫn diễn ra.
Nhà nước cần có chế tài, quản lý chặt chẽ và công khai minh bạch hơn về giá giao dịch thực trên thị trường mới có thể “phòng ngừa” được các cơn sốt đất.
Bên cạnh đó, việc đánh thuế phải tính thuế hàng năm chứ không phải chỉ có mỗi trường hợp đánh thuế sử dụng đất. Khi đó, thuế sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý giá đất, những người gom những miếng đất càng to, thuế càng cao, như vậy sẽ giúp hạn chế việc gom đất giữ mà không phát triển, dẫn đến mất cân bằng trên thị trường.
NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN - Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính Savills Hà Nội
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: