Top

Những chân trời đầu tư mới

Cập nhật 15/03/2017 14:20

Năm 2017, theo đánh giá của một số chuyên gia am hiểu ngành bất động sản (BĐS), cơ hội đầu tư đang rộng mở với các phân khúc nhà ở trung - cao cấp. Song song dòng chảy mạnh mẽ của sản phẩm nghỉ dưỡng, condotel thu hút một số doanh nghiệp (DN) lớn, hành trình tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nhà đất tại Thủ đô vẫn âm thầm diễn ra.

Từ 2016 trở lại đây, góc thị trường nhà đất phía Đông Tp.Hà Nội được hâm nóng bởi Vinhomes Riveside hoàn thiện hạ tầng căn bản. Những ô đất, thửa đất đảm bảo pháp lý ở khu vực Phúc Lợi, Long Biên bất thần chứng kiến giá trị giao dịch lên tới ngót nghét 40 triệu đồng/m2 (tăng 10 - 15 giá so thời điểm cuối 2015).

“Sốt” khắp Thủ đô

Tương tự, nhìn về phía Nam - trục Phú Xuyên - Thanh Trì cũng cho thấy sức nóng của nhà đất liên tục phi mã. Đơn cử, đất làng Phú Xuyên (vị trí tiện giao thông, ngõ đủ ôtô con di chuyển), cuối năm 2016 lần lượt được đẩy lên 50 - 100% so với đầu năm 2016.

Nguyên do chính là hạ tầng giao thông: tuyến đường nội đô mở rộng phía sau bến xe Nước Ngầm - Bệnh viện Nội tiết 2 đã trực tiếp tạo hưng phấn cho giá BĐS thổ cư nơi đây.

Tìm hiểu nhanh qua chợ trực tuyến nhà đất đầu năm 2017, nhiều “cò” đất đều hô giá 25 - 35 triệu đồng mỗi mét vuông đất trong làng (vẫn cùng BĐS này, nhưng giá chỉ 18 - 22 triệu đồng/m2 giai đoạn quý IV/2016).

Độ náo nhiệt của thị trường BĐS Thủ đô cũng rất rõ nét khi quan sát phía Tây. Giai đoạn trước, khi Từ Liêm được tách thành hai quận, thị trường đất thổ cư lẫn chung cư thương mại địa bàn này được hồi sinh mạnh mẽ.

Chỉ cần chứng kiến những pha “trở lại mạnh mẽ” của Thăng Long Mansion, Sun Square... là đủ hiểu giá trị của những đồ án nâng cấp đô thị - kèm theo các quy hoạch giao thông liên quan, đối với những khu đất dự án nằm đắp chiếu dài dài nhiều năm trước đó.

Lần lượt những dự án đình đám của VinGroup, Hải Phát, Geleximco đã mau chóng kích giá nhà đất ở khu vực Tây Hà Nội (từ làng ra phố) tới mức chóng mặt. Tại làng bún Phú Đô, làng Nhân Mỹ, nếu giá đất nền cuối 2015 chỉ ở 20 - 30 triệu đồng/m2, thì tới cuối 2016, con số này đã vượt lên 50 - 60 triệu đồng/m2. Tình thế cũng tương tự xảy đến ở sản phẩm chung cư được mở bán, vài ngày sau mở bán chính thức mà môi giới đã “quát” hết hàng và buộc phải mua chênh.

Khu Đông Bắc của Hà Nội sẽ hút toàn bộ lực đầu tư của giới kinh doanh địa ốc Hà thành?

Dự đoán điểm nóng

Tuy vậy, tới đầu năm 2017, dường như những trận sốt liên miên nêu trên đã hạ nhiệt. Theo một số nhà đầu tư lọc lõi, nguyên nhân nằm ở mức giá (cả thổ cư lẫn chung cư) đều đã tới mức bão hòa. Thậm chí, với áp lực xả hàng thu hồi vốn, nhiều khu vực đã rớt giá đất thê thảm khi quá nhiều cá nhân đầu cơ thi nhau gửi bán.

Trong tâm thế kiếm tìm sân chơi đầu tư mới, nhiều cá nhân đầu tư rỉ tai nhau về khu vực phía Đông Bắc - tức địa bàn huyện Đông Anh.

Chia sẻ rôm rả trên nhiều nhóm diễn đàn BĐS, là chủ đề sốt đất khu Đông Bắc bao giờ sẽ tới. Lý do khiến giới đầu tư kỳ vọng là khu vực Đông Anh đang còn quỹ đất rộng lớn để phục vụ các siêu dự án của nhiều đại gia như VinGroup, SunGroup, Geleximco lẫn Eurowindow...

Sự kiện đánh thức giới đầu tư BĐS Thủ đô được cho là việc cuối tháng 2/2017, tập đoàn Vingroups khởi công xây dựng tổ hợp KĐT lớn nhất Đông Anh bao gồm: Trung tâm triển lãm Quốc Gia 80ha, trung tâm thương mại văn phòng 120ha và khu dân cư VinHomes Cổ Loa quy mô 400ha.

Trước đó, cuối tháng 12/2016, Eurowindow Holdings của ông chủ Nguyễn Cảnh Hồng cũng mau mắn ra mắt thị trường phía Đông Bắc bằng tổ hợp River Park - Đông Hội. Những sản phẩm tiêu điểm của dự án này bao gồm căn hộ chung cư cao cấp và biệt thự liền kề (RosVilla, LotusVilla và RiverPark 1, 2, 3, 4, 5).

Dự báo, tới cuối quý III/2017, Liên danh Việt Hàn (Sungroup - Charmvit) sẽ bắt tay vào dự án xây dựng cầu Tứ Liên nối từ Tứ Liên Hồ Tây qua sông Hồng và tìm tới địa bàn Lại Đà, thôn Xuân Trạch.

Sẽ có 3 điểm giao cắt lớn tại Xuân Trạch - Đông Hội và Lộc Hà, với chiều dài mặt cầu Tứ Liên 3km và 4 tuyến đường dẫn gom dân phía bên này là Xuân Trạch Đông Hội bên kia là Hồ Tây Tứ Liên dài tổng cộng 4km.
Kèm theo quy hoạch cây cầu này, dự kiến một trung tâm hành chính có mật độ dân cư khá đông sẽ hình thành - điều hấp dẫn bất cứ cá nhân đầu tư nào.

SunGroup đã nhanh chân “xí chỗ” ngót 360ha đất ở Đông Anh nhằm triển khai dự án BĐS và xây dựng công viên Kim Quy hơn 100ha tại trung tâm quận Cổ Loa. Sự kiện này càng gián tiếp thúc đẩy nhà đầu tư tìm về khu Đông Bắc.

Cuối cùng, thông tin huyện Đông Anh sắp được đổi tên thành quận Cổ Loa (năm 2020) và Hà Nội chính thức triển khai động thổ xây dựng đại dự án thành phố hai bên sông Hồng đã mang lại quyết tâm cao nhất cho giới săn tìm cơ hội sinh lời từ nhà đất theo hướng “đón sóng cùng thương hiệu mạnh - ăn theo quy hoạch hạ tầng đô thị”.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh