Ở ĐBSCL có rất nhiều cầu được đầu tư hàng chục tỉ đồng để "nối nhịp bờ vui" cho người dân. Tuy nhiên, do một số nhà thầu không đủ năng lực tài chính, sự chủ quan của địa phương nên sau nhiều năm thi công đến nay cầu vẫn tiếp tục... "dần xây"
Bốn năm trước, cầu Huỳnh Thúc Kháng ở phường 7 - TP Cà Mau (Cà Mau) được khởi công xây dựng với vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng. Mục tiêu quan trọng của tỉnh Cà Mau khi thực hiện công trình này là mở rộng đô thị về phía nam bởi nếu không xây cầu bắc qua kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau thì khu vực đang thực hiện dự án bệnh viện mới hiện nay sẽ trở thành "ốc đảo".
Làm dở dang rồi để đó
Theo kế hoạch ,cầu Huỳnh Thúc Kháng sẽ hoàn thành vào năm 2006 và bến đò nằm ở ngã ba sông TP Cà Mau sẽ đi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, giờ đây hai bên bờ kênh xáng Cà Mau là những trụ bêtông to tướng đứng trơ gan cùng thời và người dân nơi đây tiếp tục qua sông lụy đò.
Ông Nguyễn Văn Tạo - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau - cho biết nhà thầu đầu tiên thực hiện dự án này Công ty Xây dựng công trình giao thông 624 thuộc Cienco 6. Nếu đúng tiến độ như đã ký kết thì cuối năm 2006 cầu Huỳnh Thúc Kháng được thông xe nhưng ở thời điểm đó nhà thầu đã "bỏ của chạy lấy người" vì năng lực tài chính yếu.
Hiện dự án đã được liên danh các nhà thầu trong tỉnh đảm nhận với kế hoạch sau Tết Nguyên đán 2008 sẽ thông xe. Tuy nhiên, thực tế cho thấy muốn hoàn thành cầu này cần phải có nhiều thời gian hơn nữa vì hiện nay hai bên bờ kênh xáng Cà Mau là những trụ bêtông to tướng đang đứng trơ gan cùng thời gian, nhịp giữa của cầu vẫn chưa được lao dầm.
Ở Bạc Liêu, cầu Định Thành ở xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai bắc qua kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau cũng được khởi công vào năm 2004 với vốn đầu tư khoảng 7 tỉ đồng. Đây cũng là dự án quan trọng của tỉnh Bạc Liêu nhằm vực dậy vùng kinh tế ven biển thuộc xã Định Thành của huyện Đông Hải nối với quốc lộ 1A và gắn kết với các khu công nghiệp vùng bán đảo Cà Mau.
Tuy nhiên, khi cầu xây gần xong thì buộc phải dừng lại vì nhịp cuối không thể đấu nối trực tiếp với quốc lộ 1A bởi độ dốc quá lớn. Qua thiết kế sơ bộ, muốn xây thêm hai nhánh rẽ nối vòng xuống quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu phải đầu tư thêm… 10 tỉ đồng. Vậy là nhiều năm qua người dân nơi đây phải tiếp tục lụy đò, muốn đi cầu thì phải… bắc thang.
Cũng tại Bạc Liêu, muốn đi từ thị xã Bạc Liêu về huyện Hồng Dân bằng ôtô phải vòng qua huyện Phước Long với một đoạn đường rất xa. Nguyên nhân là cầu Ninh Qưới bắt qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp thuộc tuyến đường ngắn nhất chỉ mới hoàn thành được phần trụ sau nhiều năm xây dựng.
Chính vì dự án cầu Ninh Qưới nằm án binh bất động suốt một thời gian dài đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của huyện Hồng Dân. Hàng hóa, nông sản ở khu vực này không thể chuyển nhanh đi các tỉnh bằng phương tiện vận tải đường bộ.
Tiếp tục... chờ
Ông Ngô Hữu Dũng - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu - cho rằng trước đây tỉnh Bạc Liêu đã tranh thủ được nguồn vốn của trung ương để đầu tư xây dựng hai nhánh rẽ xuống quốc lộ 1A thuộc dự án cầu Định Thành. Sau khi được sự chấp thuận của nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến, trung ương chuẩn bị giải ngân để dự án tiếp tục triển khai thì gặp phải "sự cố" liên quan đến ông Nguyễn Việt Tiến.
Cầu Định Thành ở Bạc Liêu muốn
xây thêm hai nhánh rẽ phải "đẻ”
thêm 10 tỉ đồng.
Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: