Nhiều dự án quy hoạch, sắp xếp dân cư tại Lâm Đồng đã bộc lộ nhiều bất cập, sai phạm, gây thất thoát tiền tỷ và chưa mang lại hiệu quả như chủ trương đã đề ra.
Khu tái định cư dân di cư tự do xã Hòa Bắc, Hòa Nam có nhiều địa điểm có độ dốc cao, thiếu nước tưới |
Dự án Khu quy hoạch sắp xếp dân di cư tự do xã Hòa Bắc, Hòa Nam (huyện Di Linh) được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt năm 2007 với tổng số vốn đầu tư 41,8 tỷ đồng, đến năm 2013 điều chỉnh tăng lên 94,5 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Nga, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Hòa Bắc - Hòa Nam (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án đã thực hiện ổn định tại chỗ cho 1.429 hộ dân, xây dựng được 48km đường giao thông, 19,7km đường điện, 4 nhà văn hóa thôn, 3 nhà mầm non, khai hoang hỗ trợ người dân được 102ha...
Tuy nhiên, ghi nhận tại khu tái định cư, nhiều hộ dân sau khi được giao đất, giao vườn đã phải bán, chuyển nhượng cho người khác với giá từ 10-20 triệu đồng/sào (1.000m²) với lý do “khát” nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu, đất có độ dốc cao.
Chị Lê Thị Thu Hiền (ngụ thôn 4, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) cho biết: “Tôi mua lại đất của một hộ dân trong dự án với giá 10 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, hiện nay để canh tác trên khu vườn đó, mỗi đợt tưới cà phê phải đầu tư máy nổ, ống nước để kéo đi mua nước với giá 3 triệu đồng/lượt tưới. Nhiều hộ dân sau khi bán đất cho chúng tôi sau đó đã quay trở lại rừng tiếp tục sống, canh tác”.
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, tại dự án đầu tư Khu quy hoạch sắp xếp dân cư tự do xã Hòa Bắc, Hòa Nam, việc lựa chọn vị trí đất để lập dự án sắp xếp di dân tự do chưa phù hợp do một số khu vực có địa hình cao, giao thông đi lại khó khăn, thiếu nước tưới và điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi cho cây trồng phát triển. Qua kiểm tra, có tới 21/27 công trình, các đơn vị tư vấn, lập dự toán không chặt chẽ, tính toán dư khối lượng so với bản vẽ thi công số tiền hơn 939 triệu đồng. Công tác nghiệm thu, thanh toán tại 27 công trình lớn hơn thực tế số tiền hơn 1,6 tỷ đồng...
Ông Trần Đình Nga cho rằng, do vốn ít nên không thể tiến hành khảo sát mực nước ngầm trên toàn bộ khu vực. Riêng đối với 41 hộ chưa di dời được do người dân “tiếc” đất rừng tốt cho canh tác, sắp tới sẽ tiếp tục vận động để di dời toàn bộ số hộ dân trên.
Tại dự án đầu tư bố trí, sắp xếp dân cư ở vùng đặc biệt khó khăn thôn 3 và thôn 4, xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) cũng có nhiều sai phạm, bất cập. Trong đó, có 15/17 công trình được nghiệm thu, thanh quyết toán không đúng thực tế thi công do chênh lệch khối lượng và chênh lệch định mức - đơn giá với tổng giá trị sai phạm phát hiện qua thanh tra là 2,6 tỷ đồng. Dự toán tính sai, tính thừa khối lượng; sai định mức đơn giá tại 10 công trình với giá trị là trên 860 triệu đồng.
Đặc biệt, hạng mục đầu tư hỗ trợ khai hoang và hỗ trợ sản xuất lúa nước bằng tiền cho 49 hộ gia đình thôn 3, thôn 4 nhưng UBND xã Phước Cát 2 chưa có biện pháp giám sát thực hiện nhằm đảm bảo cho các hộ sử dụng số tiền được hỗ trợ theo đúng mục đích đầu tư được phê duyệt; tại thôn 3 không có ruộng nước nhưng người dân vẫn nhận đầy đủ số tiền đầu tư hỗ trợ sản xuất lúa nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: