Top

Tranh chấp về chung cư ngày gia tăng, kéo dài, phức tạp

Cập nhật 25/11/2017 08:35

TP.HCM có 935 chung cư cao tầng thì 105 chung cư đang xảy ra tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư tranh chấp rất gay gắt, phức tạp.

Tranh chấp chung cư ngày càng phức tạp - Ảnh: Internet

Nở rộ tình trạng tranh chấp chung cư

Cuối tháng 10 vừa qua, hàng trăm cư dân tại chung cư Docklands Sài Gòn (phường Tân Phú, quận 7) đã tụ tập trước sảnh chung cư treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư là Pau Jar Grourp (Đài Loan) trả lại tầng hầm cho cư dân.

Theo các cư dân tại Docklands Saigon, việc tranh chấp tầng hầm đậu xe đã diễn ra khá lâu và cũng có nhiều cuộc họp với chủ đầu tư, song đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Đáng chú ý, không chỉ tranh chấp tầng hầm đậu xe, dự án này còn bị cư dân tố cáo là đang bị xuống cấp trầm trọng dù mới đưa vào sử dụng thời gian chưa lâu. Chưa kể, chủ đầu tư còn giao nhà thiếu hụt diện tích khiến cho cư dân rất bức xúc.

Sau nhiều lần họp bàn thương lượng, có sự tham gia của UBND phường và quận bất thành, mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ tại chung cư Docklands đã lên đến đỉnh điểm. Do đó, hai bên không tự hòa giải mà phải đưa ra giải quyết tại tòa, chờ quyết định của luật pháp.

Không riêng gì Docklands Sài Gòn, tranh chấp chung cư cũng đã xảy ra từ lâu tại dự án Thảo Điền Pearl, quận 2 do Công ty SSG2 làm chủ đầu tư.

Dự án được bàn giao căn hộ cho cư dân trong giai đoạn cuối năm 2013, đầu năm 2014, nhưng đến nay, dù cư dân đã phải thanh toán 100% giá trị căn hộ và về ở từ lâu, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể bàn giao sổ đỏ cho khách hàng. Trước sự chây ỳ của chủ đầu tư, hàng trăm khách hàng đã treo băng rôn phản đối và yêu cầu chủ đầu tư sớm bàn giao sổ đỏ cho khách hàng.

Đây chỉ là con số rất ít trong hàng trăm dự án tranh chấp chung cư đang xảy ra. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM có 935 chung cư cao tầng thì đã 105 chung cư đang xảy ra tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Chẳng hạn như các chung cư Thủ Thiêm Xanh, Thủ Thiêm Star, An Phú, Khánh Hội, 86 Tản Đà, Hoàng Kim, 86 Trần Huy Liệu, Thanh Đa, Phú Hoàng Anh...

Theo HoREA, tranh chấp chung cư ngày càng phổ biến là do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư. Một trong những tranh chấp lặp đi lặp lại trong thời gian gần đây là phần sở hữu chung - riêng trong dự án như nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...

Hay nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết, chưa làm giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người mua nhà qua nhiều năm đã khiến cho bức xúc của cư dân lên đỉnh điểm. Không ít trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở bất chấp việc không đảm bảo an toàn.

Pháp luật chưa có biện pháp chế tài để xử lý

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp chung cư ngày càng gia tăng là do chủ đầu tư vi phạm trong xây dựng, quản lý nhưng lại chưa được các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, hoặc xử lý không hiệu quả khiến mâu thuẫn giữa người dân, Ban quản trị và chủ đầu tư càng trầm trọng, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa bàn.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng nguyên nhân khiến các tranh chấp nhà chung cư trên địa bàn thành phố bùng nổ mạnh mẽ thời gian qua là do hệ thống pháp luật hiện hành chưa có biện pháp chế tài kịp thời và hiệu quả.

Cụ thể, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có quy định các điều cấm nhưng nghịch lý là không có điều khoản chế tài, xử phạt những hành vi vi phạm của các chủ đầu tư. Luật còn nhiều thiếu sót, chưa thực sự chi tiết và bám sát các vấn đề tồn tại.

“Bất cập nhất phải kể tới Nghị định số 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý phát triển nhà... đã hết hiệu lực. Lẽ ra nó phải được thay thế bằng nghị định mới để triển khai các luật mới đã được Quốc hội thông qua năm 2014 - 2015 nhưng trên thực tế đến nay vẫn chưa có. Đây là lỗ hổng cần khắc phục”, ông Châu nói.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà cũng nói rằng việc tranh chấp chung cư ngày càng gia tăng là một vấn đề nảy sinh trong thực tế đòi hỏi cần phải giải quyết. Vấn đề về quản lý chung cư ngoài những quy định của nhà nước ra, Bộ Xây dựng cũng đang ban hành quy chế về quản lý nhà chung cư nhưng đi vào thực tế còn có độ trễ nhất định.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhận định cần phải có giải pháp tối ưu để giải quyết những bất cập hiện nay, bởi nhà chung cư là tài sản của người dân.

Vì vậy, ông Tuyến cam kết chậm nhất đến ngày 30.12.2017, UBND TP.HCM sẽ báo cáo với HĐND TP.HCM danh mục toàn bộ 935 chung cư trên địa bàn thành phố về tình trạng pháp lý, những tồn tại và vướng mắc của từng chung cư. Qua đó, nếu có vụ việc gì xảy ra ở chung cư nào người dân sẽ biết trách nhiệm thuộc về ai.

Trước tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng tại các thành phố, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM báo cáo về tình hình tranh chấp, khiếu nại giữa người mua nhà với chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trên địa bàn trước ngày 30.11 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Trong báo cáo, Bộ cũng yêu cầu các địa phương nêu rõ nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng nêu trên.


DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế Giới