Top

Nhiều nhà đầu tư bất động sản bắt đầu nản chí, cắt lỗ

Cập nhật 15/03/2020 11:25

Sau thời gian dài thị trường bất động sản Tp.HCM trầm lắng, nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đang tìm mọi cách thoát hàng, thậm chí cắt lỗ.



BĐS từng được cho là kênh đầu tư “hái ra tiền", đặc biệt là với những nhà đầu tư có dòng vốn lớn. Nhiều nhà đầu tư biết nắm cơ hội, một năm họ có thể kiếm hàng tỷ đồng. Trong khi đó, những nhà đầu tư có số vốn trên dưới 3 tỉ đồng, sau thời gian 6 tháng đến một năm cũng có thể kiếm lời chừng 300-500 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế lợi nhuận hấp dẫn như vậy cũng chỉ kiếm được khi thị trường phát triển sôi động giai đoạn 2017-2018. Còn bước sang năm 2019 câu chuyện lại khác, tình thế đã đảo ngược hoàn toàn. Thị trường rơi vào giai đoạn trầm lắng khi nguồn cung chạm đáy thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Hàng ngàn công trình vi phạm trật tự xây dựng ở các quận huyện đã bị xử phạt hoặc cưỡng chế. Hàng trăm dự án nhà ở hình thành trong tương lai bị đứng bánh do vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), xây dựng khi chưa có giấy phép, “bán lúa non” hoặc vướng đất công xen cài.


Khăp nơi băng rôn cầu cứu, hàng nghìn khách hàng khổ sở vì trót rót tiền vào những dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn dẫn đến “tiền mất tật mang”, nợ nần chồng chất. Với những chủ đầu tư hứa trả lại tiền cho khách thì hoặc là cố tình chây ì, hoặc là làm khó khách hàng bằng vô số những điều kiện bất lợi trong hợp đồng thanh lý.

Theo thống kê từ Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA), cả năm 2019, chỉ có duy nhất một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Ngoài ra, không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư, chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường khó khăn dẫn đến việc chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô nhỏ và trung bình, nhưng có 1 dự án khu đô thị rất lớn tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường.

Những tưởng khi bước qua năm 2020 thị trường sẽ có dấu hiệu tốt lên nhưng những hy vọng nhen nhóm của nhà đầu tư lại bị dập tắt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Toàn bộ các sự kiện liên quan đến thị trường BĐS đều bị hoãn lịch, nhiều phòng giao dịch đóng cửa vì không có khách đến tìm hiểu dự án. Thị trường ghi nhận lượng giao dịch ảm đạm, chủ yếu là giao dịch sang tay ở các dự án cũ.

Trong khi đó, về phía chính quyền công tác tháo gỡ cho các dự án vướng mắc cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp và Hiệp hôi bất động sản Tp.HCM, đã có những động thái nhất định nhưng công tác tháo gỡ sẽ còn nhiều bất cập. Mặt khác, hiện nay do phải ứng phó với dịch Covid-19 nên quá trình tháo gỡ cho các dự án có lẽ sẽ còn kéo dài hơn dự kiến.

Trước tình hình này, nhiều NĐT cho biết họ đã bắt đầu nản chí. Không ít nhà đầu tư tìm cách bán tháo các sản phẩm đã ôm hàng từ trước Tết nhưng không mấy khả quan. Một số nhà đầu tư cho rằng tình hình thị trường sẽ còn khó khăn đến hết năm 2020 nên dự định sẽ tìm cách bán đẩy hàng đi để gom vốn về gửi ngân hàng.

Tuy vậy, anh Lê T.M., một nhà đầu tư lâu năm cho biết vào thời điểm này hầu hết khách hàng chỉ tìm hiểu qua điện thoại hoặc chat online chứ rất ngại tiếp xúc với người bán hàng. Do sự tương tác không cao nên việc bán ra là rất khó khăn.

“Tôi chỉ muốn bán hàng đi cho nhanh nhưng khổ nỗi giờ thị trường khó khăn, dịch bệnh đâu còn mấy ai quan tâm đến BĐS. Thôi thì chờ thị trường khả quan lên rồi bán ra. Đến giờ này thì tôi chấp nhận bán ra bằng với giá vốn đã mua hoặc lỗ một chút không sao, quan trọng là gom đủ vốn về gửi ngân hàng”, anh M. nói.

DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ