Top

Năm 2020, các cơn sốt đất ảo sớm chết yểu

Cập nhật 11/03/2020 08:50

Cơn sốt đất nền Phú Quốc kéo dài từ năm 2017 đến giữa năm 2018 mới dần hạ nhiệt. Tại Đà Nẵng, cơn sốt đất năm 2019 kéo dài gần 1 năm… Mới đây nhất, cơn sốt tại Bình Ba, Bà Rịa – Vũng Tàu sớm chết yểu sau 1 tuần.



Từ những cơn sốt đất nền xảy ra khắp các tỉnh thành cả nước trong năm 2019, một trong những dấu hiệu nhận biết cơn sốt đất ảo được chỉ ra là giá đất tăng trên 100% trong 6-12 tháng và xảy ra cục bộ tại một vài khu vực có quy hoạch hoặc có dự án hạ tầng tầm cỡ. Những khu vực càng có lợi thế về vị trí và hạ tầng thì cơn sốt đất có thể càng kéo dài.

Nhanh chóng lụi tàn

Như với cơn sốt đất tại Phú Quốc trong giai đoạn 2017-2018 khi có thông tin được quy hoạch lên đặc khu kinh tế. Cuối năm 2017, đầu năm 2018, người người nhà nhà lao vào cơn sốt đất khiến Phú Quốc gần như bị “băm nát” vì tình trạng phân lô, bán nền tràn lan.

Từ giữa năm 2018, thông tin không thông qua Luật Đặc khu cùng yêu cầu tạm ngừng phân lô tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất tại Phú Quốc đã khiến thị trường dần trầm lắng, ngoại trừ những khu vực có vị trí đẹp. Tình trạng này tiếp tục kéo dài sang nửa đầu năm 2019.

Tương tự, cơn sốt đất tại Vân Đồn xảy ra từ đầu năm 2019 nhưng đến cuối tháng 4/2019, sau khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, giao dịch mới bắt đầu chững lại.

Tại Đà Nẵng, các đợt sốt nóng cục bộ đã xảy ra từ năm 2017 nhưng đỉnh điểm là những tháng đầu năm 2019. Giá đất một số khu vực sau Tết Nguyên đán tăng 30-50%. Đặc biệt, giá đất ven biển đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn) lập đỉnh lên đến 300 triệu/m2. Chỉ đến tháng 5, giá đất mới có dấu hiệu chững lại.

Hay với cơn sốt đất tại Đà Lạt từ sau khi UBND TP. Đà Lạt công bố quyết định “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt” vào giữa tháng 3/2019. Thông tin này sau đó đã khiến thị trường nhà đất tại đây có nhiều xáo trộn, giá rao bán tại các trục đường chính đồng loạt tăng phi mã. Đến tháng 8, UBND TP. Đà Lạt phải ra văn bản nhằm ổn định thị trường...

Thị trường bất động sản đầu năm 2020 khá ảm đạm khi nguồn cung tiếp tục khan hiếm, hàng loạt doanh nghiệp trì hoãn việc ra quân bán hàng hay bất động sản nghỉ dưỡng phải gánh thêm "cú sốc" từ đại dịch corona...

Trong bối cảnh đó, từ đầu tháng 2, thị trường bất ngờ dồn sự chú ý đến khu vực huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đầu tiên xảy ra cơn sốt đất trong năm 2020. Cơn sốt bắt nguồn từ sau khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra văn bản vào ngày 15/1 đồng ý để một tập đoàn nghiên cứu, khảo sát thực hiện hai dự án lớn tại xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức.

Người mua dần tỉnh táo

Một số môi giới tại đây cho biết, hàng trăm phương tiện từ TP.HCM, Đồng Nai đã đổ về Quốc lộ 56, xã Bình Ba để hỏi mua đất khiến giá bán tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ. Nếu trước Tết, giá đất mặt tiền Quốc lộ 56 chỉ 70-80 triệu đồng/m2 thì đã bị thổi lên 300-400 triệu/m2, thậm chí lên đến 500 triệu/m2. Dữ liệu thống kê của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, so với giá rao bán đất thổ cư trung bình tháng 1, giá bán trung bình trong tháng 2 tại huyện Châu Đức tăng hơn 38%.

Không chỉ quen thuộc về nguyên nhân dẫn đến cơn sốt đất, việc người mua đổ xô đi tranh giành suất mua dù giá tăng cao bất thường vẫn tiếp tục xảy ra bất chấp những cảnh báo đã được đưa ra từ hàng loạt cơn sốt đất trước đó.

Thống kê của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, nếu từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020, lượng quan tâm đất thổ cư tại huyện Châu Đức giảm đều qua từng tháng thì bước sang tháng 2/2020, lượt truy cập bất ngờ tăng mạnh và tăng 66% so với tháng 1.

Trước việc giá đất bị đẩy lên quá cao trong chưa vòng 1 tuần, UBND huyện Châu Đức đã ra văn bản về thông tin dự án, khuyến cáo người dân không nên nóng vội mà cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý, đồng thời yêu cầu tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xã hội trên địa bàn. Cơn sốt đất vì thế đã nhanh chóng bị đẩy lùi. Cảnh xe cộ và người mua tấp nập đã không còn.

Trước đó, hồi tháng 10/2019, sau một thời gian tạm lắng khi tăng mạnh vào đầu năm, giá nhà đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu có nơi bị đẩy lên 60% so với thời điểm đầu năm.

Nhận định về các cơn sốt đất, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng cho rằng, cơn sốt của các tỉnh hầu hết chỉ mang tính một chiều bởi giao dịch không có nhiều mà chỉ do các nhà đầu cơ tự thổi giá với nhau nhằm tạo sóng.

Bên cạnh đó, qua nhiều cơn sốt đã xảy ra, người mua dần tỉnh táo và cảnh giác hơn trước các chiêu bài làm giá. Cùng với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, thời gian kéo dài của các cơn sốt đất ngày càng được rút ngắn.

Như cơn sốt đất Bình Ba nhanh chóng lắng xuống chỉ sau 1 tuần. Hơn nữa, Bình Ba là địa phương không có nhiều lợi thế về vị trí, hạ tầng… và chỉ phụ thuộc vào thông tin triển khai dự án lớn nên giá đất khó có thể tăng lâu dài.

Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam cũng đưa ra nhận định, việc duy trì đà tăng trưởng phải có nhu cầu ở thực trong khi nhu cầu mua để ở tại những địa bàn nhỏ còn thấp nên sóng không duy trì lâu.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN