Top

Nhiều dự án bất động sản vốn ngoại bị bỏ hoang

Cập nhật 27/08/2013 16:22

Rầm rộ đầu tư dự án tại Việt Nam, không ít nhà đầu tư ngoại đã sớm bộc lộ những yếu kém khiến dự án dở dang hay vẫn còn nằm trên giấy. Nhiều dự án bất động sản vốn ngoại hàng trăm triệu USD tại Hà Nội vẫn đắp chiếu sau nhiều năm được cấp phép. Qua đó, đã lộ rõ ý đồ của nhà đầu tư đăng ký dự án nhằm giữ chỗ, trong khi năng lực tài chính hạn chế. Nếu thị trường tốt thì họ bán nhà trên giấy thu tiền, còn khi thị trường đi xuống thì treo lại chờ thời hay tìm cách bán đi kiếm lợi.

Dự án đô thị Công viên ParkCity tại Hà Đông, Hà Nội được biết đến như một dự án đình đám tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông. ParkCity Hà Nội có quy mô 77,45 ha, với quảng cáo là nhà ở trong công viên. Chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) - công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (S) Pte (Singapore) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành. Cho đến thời điểm này, bên trong những vẻ đẹp hào nhoáng của những biển quảng cáo, những bồn hoa được chăm sóc kỹ lưỡng là công trường cỏ mọc um tùm, các trụ cột bê tông trơ lõi thép hoen gỉ. Đây là một trong số rất nhiều dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài bị bỏ hoang ở Hà Nội.

Trước đây, với các mác nước ngoài, các tập đoàn lớn, nhiều người vẫn tin rằng, một dự án bất động sản có sự tham gia của phía nước ngoài thì khả năng thành công và mang lại lợi nhuận sẽ rất lớn. Không ít nhà đầu tư trong nước chỉ vì sính ngoại mà đành phải nếm trái đắng. Bởi trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các nhà đầu tư nước ngòai sẽ khó lòng mặn mà với các dự án trong nước.

Ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì không thể trông chờ vào nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ chỉ đầu tư khi thị trường mang lại lợi ích cho họ

Trong báo cáo vừa được UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Xây dựng cho thấy, Hà Nội có 95 dự án bất động sản vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, số dự án đang triển khai đúng tiến độ rất ít, hầu hết các dự án đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Theo luật sư Đỗ Hữu Đĩnh - Công ty luật Dazpro, có nhiều nguyên nhân khiến cho dự án chậm tiến độ trong đó nguyên nhân nhà đầu tư thiếu năng lực về tài chính là nguyên nhân chủ yếu

Thị trường bất động sản gặp cơn sóng gió, đã lộ mặt dự án ngoại không còn đủ sức hấp dẫn trên thị trường, bởi hàng loạt dự án 100% vốn nước ngoài hay liên doanh cũng chậm tiến độ, vướng mắc vào kiện cáo về pháp lý hay bán hàng bằng USD. “Mác” ngoại, vốn nội là thực tế của không ít dự án bất động sản mang danh có vốn đầu tư nước ngoài trị giá hàng tỷ USD nhưng trên thực tế khi triển khai lại huy động và sử dụng vốn trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường - Viện trưởng viện đào tạo sau đại học, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng cho rằng, những dự án có vốn đầu tư nước ngoài thực chất là trá hình bằng việc huy động vốn trong nước.

Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng và Bộ Xây dựng cần phải xem xét, đánh giá lại câu chuyện đầu tư nước ngoài bằng vốn trong nước trong lĩnh vực bất động sản một cách nghiêm túc. Không thể tiếp tục để xảy ra hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án với số vốn lên tới 3-4 tỷ USD nhưng vốn thực sự họ mang vào Việt Nam lại chỉ chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là chi phí ban đầu, như xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng… Sau đó, nhà đầu tư nước ngoài lại huy động vốn trong nước như các nhà đầu tư trong nước, thậm chí còn bán lại dự án. Đây là một thực tế cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo để có biện pháp, chính sách điều chỉnh.

DiaOcOnline.vn - Theo VITV