Top

Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế

Cập nhật 21/07/2017 09:13

Trong danh sách 209 doanh nghiệp nợ thuế mà Cục Thuế TP.HCM vừa công khai, có khá nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản nợ số thuế lớn.

Công khai doanh nghiệp bất động sản nợ thuế để minh bạch thị trường. ẢNH: ĐÌNH SƠN

Phần nhiều là nợ đọng

Nổi bật là Công ty CP xây dựng công trình và đầu tư địa ốc Hồng Quang (007-008 chung cư H1, Hoàng Diệu, Q.4) nợ trên 100,3 tỉ đồng; Công ty CP Cát Long Hải (11A Hoàng Diệu, P.12, Q.4) nợ trên 52,6 tỉ đồng; Công ty CP Thanh Niên (tầng trệt 28 Pasteur, Q.1) nợ gần 33 tỉ đồng;...

Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết tính đến cuối tháng 6, số nợ có khả năng thu hồi trên địa bàn gần 10.000 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng danh sách mới công bố 209 doanh nghiệp (DN) đã có số nợ thuế trên 2.118 tỉ đồng. Các DN này có số nợ kéo dài và cơ quan thuế đã phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế. Chẳng hạn cơ quan thuế chuyển đề nghị cơ quan hải quan cửa khẩu tạm thời dừng xuất cảnh đối với các chủ DN nợ thuế chây ì; trích tài khoản ngân hàng, tài khoản của bên thứ ba, kê biên tài sản DN, thông báo đình chỉ sử dụng hóa đơn; và biện pháp cưỡng chế cao nhất là đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy đăng ký kinh doanh. Ông Tâm nhấn mạnh, những DN nợ thuế nói chung, DN kinh doanh lĩnh vực bất động sản (BĐS), xây dựng nói riêng đã nợ từ nhiều năm trước còn tồn đọng đến nay chứ không phải mới phát sinh gần đây.

Nợ thuế lợi hơn lãi vay ngân hàng

Trong cuộc họp gần đây với Cục Thuế TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhắc nhở cơ quan thuế trước khi chuyển danh sách đề nghị tạm dừng xuất cảnh sang cơ quan hải quan cửa khẩu, cơ quan thuế cần thông báo trước với DN, cá nhân về biện pháp này nhằm tránh trường hợp họ ra đến nơi rồi mới biết không được xuất cảnh.
 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, phân tích những DN nợ thuế hiện nay chủ yếu được thành lập trong giai đoạn từ năm 2000 - 2010, trong đó có nhiều DN năng lực tài chính yếu nhưng muốn "tay không bắt giặc"... dẫn đến tình trạng dự án dở dang, không có tiền đóng thuế, không ra được sổ đỏ cho người mua… Việc nợ thuế của những DN BĐS hiện nay là hệ quả của năng lực tài chính, quản trị DN yếu kém trong giai đoạn này.

Một chủ DN kinh doanh BĐS có dự án trên địa bàn TP.HCM bị bêu tên trong danh sách, nợ gần 40 tỉ đồng thuế, thừa nhận: “DN làm BĐS lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. Bởi đi vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp mà lãi suất vay cũng trên 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, DN có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, khi nào cơ quan thuế đòi quá thì nộp”.

Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 11%/năm, thấp hơn mức lãi vay đầu tư BĐS”. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, trước đây mức phạt chậm nộp thuế ở mức 18%/năm, nhiều DN chấp nhận nộp, nay mức phạt giảm còn khoảng 11%/năm đã không răn đe các DN chấp hành tốt việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Đó cũng là một trong những lý do gia tăng số DN BĐS nợ thuế.

Ông Châu kiến nghị, đối với DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS có nợ tiền thuế, đặc biệt tiền sử dụng đất, cơ quan thuế nên công khai để thị trường được minh bạch, người dân đánh giá được năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi quyết định mua nhà đất của dự án. Đồng thời, DN đã nợ thuế thì không được giao dự án để triển khai thực hiện. Ông Trần Ngọc Tâm kiến nghị đối với những dự án đang “treo” và nợ thuế, cần thu hồi để tránh tình trạng nợ tồn đọng.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên