Tính đến trung tuần tháng 4-2012, tổng số vay nợ của các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) là hơn 200.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu tới gần 10.000 tỷ đồng, khi thời điểm đáo hạn của các DN BĐS với ngân hàng đang đến gần.
Những biện pháp tích cực của các cấp có thẩm quyền, trong thời gian gần đây sẽ giúp các DN BĐS có hướng đi cụ thể để phục hồi và phát triển. Ảnh: Minh Nguyễn
|
Vậy hướng đi nào cho các DN BĐS phục hồi và phát triển? Được biết, Bộ Xây dựng đang xem xét mua lại một số dự án có giá bán 15-17 triệu đồng/m2 để làm nhà công vụ. Nhưng lãnh đạo bộ này lại khẳng định, việc Nhà nước mua lại một số dự án không phải để "cứu" DN BĐS cụ thể nào, mà trong điều kiện kinh tế bình thường, DN không gặp khó khăn Nhà nước vẫn có thể mua, song mua vào thời điểm này sẽ có lợi vì giá thấp hơn và mức giá đưa ra mang tính thỏa thuận. Theo Bộ Xây dựng, kế hoạch mua lại một số dự án BĐS là một trong những nội dung nằm trong đề án 254 của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.
Cũng theo đề án này, các dự án trong diện được mua có thể là công trình, BĐS đang là tài sản thế chấp ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa tiêu thụ được. Việc mua lại một số dự án nhằm mục đích an sinh xã hội và phục vụ cơ quan nhà nước, để những người không có khả năng mua nhà được thuê nhà, phục vụ công tác tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng... Dự kiến, chậm nhất quý III năm nay chính sách mới này sẽ được thực hiện sau khi được Chính phủ thông qua. Nếu điều này là hiện thực, không chỉ có lợi cho DN BĐS, mà còn có lợi cho ngân hàng, vì khi đó DN sẽ thu hồi được vốn và nợ xấu ngân hàng sẽ giảm đi.
Một động thái khác là mới đây Chính phủ cũng đã công bố chủ trương nới lỏng chính sách hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, trong đó có việc nới lỏng tín dụng cho thị trường BĐS (được thể hiện tại văn bản số 2056 ngày 11-4-2012 của Ngân hàng Nhà nước và trong dự thảo sửa đổi Thông tư 13). Sự "phá băng" về tín dụng lần này sẽ giúp cho các ngân hàng được cơ cấu lại nợ cũ, giúp cho các DN BĐS được gia hạn nợ, tìm cách "cầm cự" trong giai đoạn "bĩ cực" này. Bởi nguồn vốn của các DN BĐS cơ bản phụ thuộc vào ngân hàng. Vì thế, việc nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất cho vay sẽ giúp cho các DN trong lĩnh vực này thanh khoản dễ dàng hơn. Khi hàng bán "chạy", việc giải quyết về nguồn vốn sẽ thuận lợi hơn, còn nếu thị trường vẫn trầm lắng, các DN BĐS cũng không hấp thụ được vốn dù lãi suất giảm.
Như vậy, nếu các điều kiện nói trên được thực hiện thuận lợi, các DN BĐS có thể có cơ hội tiêu thụ được sản phẩm, từ đó sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường. Đây như "liều thuốc bổ" trợ lực giúp thị trường BĐS phục hồi. Hiện nay, trần lãi suất huy động đã giảm xuống còn 12%, thay vì 13% như trước và như vậy lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Tuy nhiên, mức giảm tiếp 1% vẫn là ít và các DN BĐS đang chờ đợi sự điều chỉnh giảm mạnh hơn trong bối cảnh lạm phát đang được kiềm chế có hiệu quả (CPI tháng 4 cả nước chỉ tăng 0,05% so với tháng trước, tăng khoảng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng thấp nhất trong gần hai năm qua). Đó là chưa kể đến các DN BĐS cũng đang đưa ra nhiều giải pháp để "hút khách", trong đó có việc khuyến mãi, giảm giá bán. Riêng một số dự án trên địa bàn Hà Nội đã giảm khoảng 10-20% (tùy phân khúc, tùy dự án), nhằm tiêu thụ nhanh sản phẩm để thu hồi vốn.
Với những biện pháp tích cực của các cấp có thẩm quyền, sự nỗ lực của các DN BĐS trong thời gian gần đây, hy vọng sẽ giúp các DN BĐS có hướng đi cụ thể để phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, sự phục hồi này sẽ ra sao vẫn phải chờ đến cuối quý II-2012, khi mà nhiều khoản vay sẽ đồng loạt đáo hạn, cũng như một số biện pháp khác được thực hiện hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: