Top

Nhiều chủ đầu tư chây ỳ không trả phí bảo trì

Cập nhật 10/03/2019 14:00

Theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội có 238/492 chủ đầu tư nhà chung cư bàn giao 2% kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.

Thống kê của Bộ này cho thấy, tính đến tháng 2/2019, địa bàn TP.Hà Nội có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng. Trong đó, chỉ mới có 492/745 nhà chung cư tổ chức thành công Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị.

Đáng chú ý, chỉ mới có 238/492 chủ đầu tư nhà chung cư bàn giao 2% kinh phí bảo trì cho Ban quản trị. Như vậy, có đến quá nửa số nhà chung cư ở Hà Nội chây ỳ trả phí bảo trì cho cư dân.

Trong khi, theo quy định của luật pháp hiện hành, đây là số tiền chủ đầu tư chỉ đứng ra thu hộ khi bán nhà, lập tài khoản ngân hàng gửi tiết kiệm, khi Ban quản trị được thành lập sẽ phải bàn giao lại.

Nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ không bàn giao quỹ bảo trì

Còn tại TP.HCM, theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, tình trạng tranh chấp nhà chung cư xảy ra ít hơn. Hiện, thành phố này có hơn 1.350 nhà chung cư với hơn 141 nghìn căn hộ. Trong đó, chỉ có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.

Trước khi thông tin về tình trạng chây ỳ trả phí bảo trì nhà chung cư, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thừa nhận nhiều quy định pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư hiện nay đang bộc lộ lỗ hổng, cần được sửa đổi, bổ sung sau thời gian ban hành, áp dụng. Ngoài một số mặt tốt đã đạt được thì việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cung cấp thêm thông tin về tình trạng tranh chấp nhà chung cư, chủ yếu ở các vấn đề như tranh chấp liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng; tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; tranh chấp liên quan đến kinh phí quản lý, vận hành; chất lượng công trình...

Ngoài ra, còn có các trường hợp tranh chấp nhà chung cư về việc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu; Ban quản trị không đủ năng lực hoạt động, không thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định, có dấu hiệu không minh bạch, vụ lợi trong việc thu chi tài chính; đơn vị quản lý vận hành không có chức năng, không đủ điều kiện để quản lý, vận hành chung cư theo quy định...

Tại hội thảo, một số chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do một số quy định về cách tính diện tích căn hộ, diện tích lô gia, hộp kỹ thuật, diện tích chung - riêng… trong các văn bản pháp luật chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về PCCC và các pháp luật khác có liên quan… Về phía người mua nhà khi mua cũng không xem hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đáng chú ý nữa là vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương mờ nhạt.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong việc quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư. Điển hình là việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành, tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư, vấn đề về xác định diện tích sở hữu chung - riêng.

Một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư.

DiaOcOnline.vn – Theo VNmedia