Top

Gỡ khó cho dân

Cập nhật 10/03/2019 11:00

7.200 hộ dân nợ tiền đất của TP Đà Nẵng đang rất hoang mang trước việc UBND TP này vừa ban hành quyết định điều chỉnh giá đất tăng từ 500 đến 600%. Giá đất điều chỉnh mới khiến 7.200 hộ dân – đặc biệt là 6.958 hộ tái định cư (TĐC) rơi vào bế tắc trước số tiền nợ bất ngờ lên đến hàng tỷ đồng!

TP Đà Nẵng đang có nhiều diện tích đất bị bỏ hoang.

Khó trả hết nợ

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng cho biết: Đến ngày 31/1/2019, TP này có 7.200 hộ dân nợ tiền sử dụng đất (gồm cả hộ nợ quá hạn và còn trong hạn nộp chậm). Trong 7.200 hộ nói trên, có 6.958 hộ nợ 866,562 tỷ đồng tiền đất tái định cư (TĐC). Việc 6.958 hộ dân Đà Nẵng gánh khoản nợ đất lên đến 866,562 tỷ đồng, xuất phát từ Quyết định số 06/2019 QĐ - UBND (về sửa đổi Bảng giá các loại đất tại Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 24/12/2016 quy định giá đất năm 2019), ban hành ngày 31/1/2019 của UBND TP Đà Nẵng.

Theo quyết định nói trên của UBND TP Đà Nẵng thì đất tại các tuyến đường trung tâm TP như Bạch Đằng, 2/9, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Diệu của quận Hải Châu; đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Kế Viêm, Hoàng Sa, Hồ Nghinh của quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn có mức giá cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2.

Đất tại xã miền núi Hòa Bắc của huyện Hòa Vang được áp dụng ở mức 250.000 đồng/m2 cho đường rộng dưới 2 m. Giá đất (đặc biệt là đất TĐC) được điều chỉnh mới tăng từ 500% - 600% khiến người dân nợ tiền đất hoang mang, bế tắc vì không biết đến bao giờ mới đủ tiền trả nợ.

Để sớm có mặt bằng phục vụ quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị, hàng chục năm trước, TP Đà Nẵng có chính sách cho các hộ dân – nhất là các hộ thuộc diện giải tỏa nợ tiền đất TĐC. Hợp đồng giao đất giữa cơ quan có thẩm quyền với các hộ dân ghi khoản tiền nợ đất từ vài chục đến vài trăm triệu đồng trong thời hạn 5 năm hoặc gia hạn đến 10 năm.

Thời điểm sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều hộ dân đến cơ quan Nhà nước để trả nợ thì số tiền nợ đất không còn ở mức vài chục hay vài trăm triệu mà lên đến hàng tỷ đồng! Khoản nợ hàng tỷ đồng thực sự là gánh nặng của trên dưới 7.000 hộ dân nợ tiền đất TĐC ở TP Đà Nẵng.

Cơ quan có trách nhiệm nói gì?

Liên quan đến Quyết định số 06/2019/QĐ– UB (ngày 31/1/2019) của UBNDTP Đà Nẵng, ngày 5/3, Sở TN&MT Đà Nẵng, đã gửi thông tin đến các cơ quan báo chí trên địa bàn. Theo giải thích của Sở TN&MT Đà Nẵng: Giá đất trước đây được thực hiện theo Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 (áp dụng kể từ ngày 01/01/2017).

Trong thời gian thực hiện Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND, đặc biệt vào thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thì giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng có nhiều biến động lớn, có một số khu vực biến động rất lớn. Theo chứng thư thẩm định giá của công ty CP Đầu tư và Định giá AIC-Việt Nam về giá phổ biến tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất thì giá đất tại đô thị tỷ lệ tăng bình quân là 4,13 lần (cao nhất 9 lần, thấp nhất 1,86 lần), về giá đất ở nông thôn tỷ lệ tăng bình quân là 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần). Căn cứ thực tế biến động về giá đất tại Đà Nẵng thì việc điều chỉnh bảng giá đất là đúng quy định. Trả lời báo chí, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho rằng: Quá trình ban hành bảng giá đất điều chỉnh lần này được thực hiện công khai, rõ ràng theo đúng trình tự từ tháng 1/2018.

Việc thông báo cho người dân trả nợ và thời gian nộp tiền sử dụng đất đã được quy định tại các điều khoản của hợp đồng giữa người dân với Trung tâm phát triển quỹ đất! Theo Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, thì hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm.

Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.

Gỡ khó cho dân

Một lãnh đạo TP Đà Nẵng giải thích: Việc tiền nợ đất tăng sau khi Quyết định 06 của UBND TP có hiệu lực một phần do lỗi của người dân để nợ quá hạn. Giá đất hàng năm được điều chỉnh theo luật. Khi giá đất thị trường tăng quá 30% so với khung giá đất được Chính phủ quy định thì các địa phương bắt buộc điều phải chỉnh giá cho phù hợp.

Theo thông tin ngày 5/3/2019 của Sở TN&MT Đà Nẵng, tính đến ngày 31/1/2019, tổng số hộ nợ tiền sử dụng đất đã quá hạn 5 năm ở TP này là khoảng 5.300 hộ. Đối với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất mà trong hợp đồng được ghi nợ 10 năm quy ra giá vàng 98% đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ vẫn trong thời hạn 10 năm, đã quá hạn 5 năm; Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, đang trình UBND TP phương án là: Trả nợ theo hợp đồng; trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng x đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơp số tiền nợ gốc và trả nợ theo giá quy định hiện hành.

Việc thu nợ tiền sử dụng đất TĐC nêu trên chỉ áp dụng đối với trường hợp còn trong thời hạn 10 năm (đã quá hạn 5 năm).

DiaOcOnline.vn – Theo Đại đoàn kết