Top

Nhất trí cơ chế đặc thù cho Tp.HCM: Nhà, đất áp dụng trước?

Cập nhật 15/11/2017 08:56

Sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM.


Chính phủ đề xuất cho phép Tp.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại, với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp - Ảnh: KHPT.

Trước đó, như VnEconomy đã đưa tin, Chính phủ đề xuất cho Tp.HCM được thí điểm hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Trong đó, đáng chú ý là được thí điểm đối với luật thuế tài sản, tăng thuế suất, tăng mức thu phí, lệ phí, tự quyết mức lương cho nhân tài...

Cơ bản nhất trí

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị thông qua nghị quyết thí điểm tại một kỳ họp.

Với các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết cơ quan thẩm tra nhất trí việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản và thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, đây là sắc thuế mới, thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, và đã được định hướng trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Do vậy, cơ quan này đề nghị, trên cơ sở báo cáo của Hội đồng Nhân dân Tp.HCM, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định áp dụng thuế tài sản thí điểm trước tiên thực hiện tại thành phố.

Trước mắt, nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất.

Đối với thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất cao hơn so với quy định của các sắc thuế hiện hành, đề nghị từ cơ quan thẩm tra là Chính phủ cân nhắc chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và có tính đến mức thu nhập của người dân đô thị (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên nước…).

Lưu ý từ cơ quan thẩm tra là cần nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư của thành phố (như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…).

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần quy định mức trần tăng thuế suất của một số sắc thuế để bảo đảm tính khả thi và sự kiểm soát của Nhà nước, ông Hải cho biết.

"Nhìn" Hà Nội và đặc khu

Chính phủ đề xuất cho phép Tp.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại, với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Cơ bản nhất trí việc này, song Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đến mặt bằng bội chi chung của ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (bội chi không quá 0,2% GDP) để không làm ảnh hưởng lớn đến khả năng vay vốn của các địa phương khác. Trong đó, thủ đô Hà Nội (mức dư nợ là 70%) và ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thành lập (mức dư nợ dự kiến 70%).

Một đề xuất khác từ Chính phủ cũng được cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí là cho phép Hội đồng Nhân dân Tp.HCM quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của địa phương.

Lưu ý từ cơ quan thẩm tra là để thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, đề nghị đối với công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc và quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước.

Như vậy, vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Tp.HCM chủ động tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế phù hợp với đặc điểm của thành phố và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy