Top

Nhà xã hội ế ẩm vì “ưu đãi 1, ràng buộc 2”

Cập nhật 22/03/2017 10:19

Hàng loạt các quy định về chuyển nhượng, đối tượng, tín dụng... với dự án nhà ở xã hội bị ràng buộc khiến chủ đầu tư và người dân đang bị 'mắc kẹt'. Điều này khiến dự án nhà xã hội xây xong vẫn chật vật bán hàng trong khi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn cấp thiết.

Dự án nhà xã hội 'mắc kẹt' vì chờ chính sách tín dụng hợp lý cho người mua.

Theo quy định trong Nghị định Phát triển và Quản lý Nhà ở xã hội (NƠXH), chủ đầu tư xây dựng NƠXH nhận được ưu đãi như: miễn tiền sử dụng đất, thuế VAT, lãi vay ưu đãi. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại bị khống chế lợi nhuận không vượt quá 10%.

Chia sẻ với Tiền Phong, một giám đốc đang làm 3 dự án NƠXH tại Hà Nội bày tỏ, thực chất chủ đầu tư làm NƠXH được ưu đãi ít, tiền sử dụng đất được miễn nhưng không đáng bao nhiêu nếu cộng cả tiền sử dụng và chia cho hàng trăm căn hộ.

“Nếu dự án nằm ở vị trí đất chưa giải phóng, doanh nghiệp phải bỏ tiền ra đền bù giải phóng mặt bằng sẽ khiến chi phí giá bán đội lên. Thậm chí khi bán nhà bị khống chế mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng một dự án kéo dài xây dựng 2 năm sẽ có khả năng bị đội giá do chi phí vật liệu xây dựng, nhân công tăng. Điều này chủ đầu tư phải chịu và không được tính vào giá bán”, vị này nói.

Theo vị này, hiện nay ưu đãi vay cho chủ đầu tư không còn do gói 30.000 tỷ đồng đã dừng khiến doanh nghiệp không mặn mà làm NƠXH. “Chỉ những nhà đầu tư nghĩ cho an sinh xã hội (không đặt vấn đề lợi nhuận - PV) mới làm”, vị này nói.

Còn chủ đầu tư NƠXH tại Phú Lãm (Hà Đông) cũng chật vật bán nhà khi chính sách ưu đãi về vốn cho NƠXH đã dừng. Ông  Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn Bất động sản Hải Phát, đơn vị phân phối trực tiếp dự án NƠXH Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, tiến độ bán hàng chậm hơn khiến chủ đầu tư đã phải tự bỏ tiền để 'kéo dài' gói 30.000 tỷ đồng (lãi suất 5%/năm trong vòng 15 năm-PV) bằng cách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà tại dự án.

Tuy nhiên ông Giang cho biết, việc này cũng chỉ áp dụng với số ít căn hộ. Theo ông Giang, về lâu dài, chính sách vốn cho NƠXH phải ổn định người dân mới có cơ hội mua nhà.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, quy định với người mua nhà là phải sau 5 năm (trươc đây 10 năm-PV) mới được bán nhà khiến nhiều người muốn mua NƠXH phải quay ra tìm mua nhà thương mại. Bởi lẽ, trong 5 năm ấy có thể chủ đầu tư phá sản hay người dân mất việc, chuyển công tác hoặc phải về quê… thì làm sao đây khi tiền của họ bị kẹt cứng ở dự án đó.

Ngoài ra, theo ông Liêm, với doanh nghiệp tư nhân, đáng ra dự án đó họ có thể bán cho vài chục ngàn đối tượng quan tâm thì nay chỉ còn vài ngàn người thuộc đối tượng mua NƠXH. Nghĩa là đầu ra bị thu hẹp, đấy là chưa kể còn nhiều thủ tục khác.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, hiện vẫn còn một số rào cản về cơ chế, chính sách đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Cụ thể, với chủ đầu tư đó là rào cản về vốn và thủ tục. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, các chủ đầu tư phải được vay các nguồn vốn ưu đãi theo Chỉ thị 03/CT-TTg. Về thủ tục, để gỡ vướng cho khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, Chính phủ nên phân cấp cho các tỉnh, thành tự phê duyệt tất cả các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và Sở Xây dựng các địa phương được phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Đối với người mua nhà ở xã hội, phải giải quyết được gánh nặng về tài chính, trong đó, chuyện cấp thiết hàng đầu các bộ, ngành phải sớm bắt tay hỗ trợ người có nhu cầu nhà ở xã hội theo Chỉ thị 03/CT-TTg. 

Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ), đạt 28% so với chỉ tiêu 250.000 căn hộ đến năm 2020 tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Còn theo báo cáo của các địa phương, đến năm 2020, nhu cầu cần có khoảng 1 triệu căn hộ, tương đương với khoảng 50 triệu m2 sàn.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong