Top

Nhà xã hội: “Chuyện không của riêng ai”

Cập nhật 22/02/2012 10:55

“Nhà xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình” là một trong những câu chuyện được liệt vào hàng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”! Nhưng, nói hoài vẫn còn cái để nói.


Bởi năm nay, theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng (BXD), năm 2012 sẽ là năm chủ trương phát triển nhà ở xã hội (NXH), hướng đến những người có thu nhập thấp. Hơn nữa, tháng 4 này, BXD sẽ họp trực tuyến với Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương - 3 địa phương thí điểm cho hạng mục này.

Khái niệm NXH được nhắc đến năm 2003, mãi năm 2009, để tìm đầu ra cho thị trường bất động sản, hạng mục này mới bùng phát. Nhưng thực tế, đến thời điểm này, chẳng có mấy dự án được hình thành.

Gần đây, NXH được dấy lên khi Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH Một thành viên (Becamex IDC) trình Đề án nhà an sinh xã hội Becamex, giai đoạn 2011 - 2015. Với mức giá từ 130 - 260 triệu đồng/m2, nhà đầu tư này sẽ phát triển các căn hộ có diện tích từ 30 - 60m2.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, nhu cầu về nhà ở có mức giá dưới 1 tỷ đồng đang chiếm đa số nhưng nguồn cung đang nghiêng về căn hộ cao cấp (với khoảng 60.000 căn hộ tại TP.HCM, trong khi cả nước là 200.000 căn).

Tình hình nhà ở tại các đô thị lớn như TP.HCM có thể nói đang trong tình trạng “thừa mà thiếu”. Số lượng DN đầu tư phân khúc nhà trung bình, NXH cũng đếm trên đầu ngón tay. Ngoài Đất Lành, loay hoay chỉ có Nam Long, Lê Thành và Tân Bình. Nhưng đâu trách được DN, bởi mỗi DN đều có “đường đi, nước bước” riêng, tùy vào chiến lược.

Ông Nguyễn Văn Đực, cho rằng, làm NXH không thể đổ hết cho DN, việc bắt buộc các dự án nhà ở hiện nay phải dành 20% diện tích để xây dựng NXH là điều không thể, vì trong cùng một dự án không thể có hai bảng thiết kế, hai kiểu quy hoạch, hai mức phí khác nhau...

Cơ quan quản lý nên quy hoạch hẳn khu vài trăm ha cho NXH, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, sau đó tổ chức đấu thầu để DN vào. DN hiện nay từ “bệnh tật đến bị thương” mà phải lo mua đất, trả lãi vay đến 20% để làm NXH thì tội quá!

Trong khi đó, ngay cả những tổng công ty chưa chắc đã làm được chuyện đầu tư hàng ngàn căn NXH. Muốn làm 50.000 căn/năm như định hướng quả thực không phải dễ, cần phải có một tổ chức cầm trịch, chịu trách nhiệm, có nguồn tài chính, có con người để thực hiện chiến lược đó.

Minh chứng từ Quỹ Phát triển nhà TP.HCM, dù có cơ sở, có tiền nhưng 7-8 năm nay vẫn trông chờ đến ngày căn hộ đầu tiên ra mắt. Ngay như trường hợp của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), theo kế hoạch, trong vòng 5 năm tới, HUD sẽ tiếp tục mục tiêu đạt 12 triệu m2 sàn diện tích nhà ở, trong đó chủ yếu là các dự án NXH.

Con số 12 triệu m2 hẳn sẽ còn là câu chuyện “ngàn lẻ một đêm”. Bởi, nhìn vào kết quả năm 2011, HUD chỉ hoàn thành 1 triệu m2 sàn, tức chỉ đạt hơn 40% kế hoạch trung bình/năm.

Ông Nghiêm Văn Bang, Tổng giám đốc HUD thừa nhận, với tình hình như hiện nay, rất khó để bất kỳ một nhà phát triển BĐS nào sống “khỏe” được, đặc biệt, đối với những nhà phát triển BĐS ở lĩnh vực xã hội. Bởi, phần chi phí nặng nhất vẫn ở giá trị đất. “Nếu nhà nước hỗ trợ về tiền đất thì mới mong có nhà thu nhập thấp đúng nghĩa”, ông Bang nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn