Top

Nhà vệ sinh công cộng cho đô thị

Cập nhật 25/02/2018 14:00

Hồ Gươm, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bãi giữa sông Hồng... Những kiến trúc sư trẻ chọn để thiết kế lại nhà vệ sinh công cộng ở những không gian đô thị đặc biệt như thế.


Phương án thiết kế nhà vệ sinh ở hồ Gươm - ẢNH: BTC CUNG CẤP

Hiện tại, khi có các sự kiện lớn, tại các không gian công cộng được ưa chuộng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, hồ Gươm, các nhà vệ sinh di động sẽ được điều tới. Người dân cũng có thể dùng dịch vụ của các hàng quán xung quanh cho nhu cầu của mình. Tuy nhiên, cho tới nay, việc sử dụng nhà vệ sinh di động vẫn còn bất cập. Chúng quá đơn giản, và thiết kế chưa bảo đảm kỹ thuật. “Chúng tôi có điều thêm vài chục nhà vệ sinh. Tuy nhiên, lượng người quá lớn cũng khiến mùi khó xử lý”, ông Phạm Tuấn Long, Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, nói.

Khi không gian công cộng tạm bợ, bốc mùi

Khi phương án thiết kế nhà vệ sinh của nhiều nhóm sinh viên kiến trúc được xướng lên tại vườn hoa Lý Thái Tổ Hà Nội hồi cuối năm 2017 tại cuộc thi Thiết kế nhà vệ sinh công cộng do ĐH Xây dựng và Quỹ Action Aid tổ chức, cũng là lúc mùi khai từ những nhà vệ sinh di động thổi tạt về phía họ. Có lẽ chính những vườn hoa, điểm đỗ xe buýt thường “bốc mùi” lại còn xấu đã khiến nhiều sinh viên tham gia cuộc thi này. “Nhà vệ sinh công cộng hiện trong tình trạng chất lượng kém. Mùi chỉ là một trong những biểu hiện đó. Càng chưa thể nói đến chuyện đẹp”, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng Phương, người từng đoạt nhiều giải kiến trúc quốc tế nói.

Thiết kế Xóm thuyền (tác giả Nguyễn Phi Hùng và bạn bè, Trường ĐH Xây dựng) sử dụng cho những người sống ở khu dân cư nổi bãi sông Hồng (Hà Nội). Theo đó, nhà vệ sinh được thiết kế thành thuyền vệ sinh. Như thế, vừa đáp ứng nhu cầu, vừa dễ thu gom xử lý. Nó cũng hòa hợp với cảnh quan, lối sống của người dân nơi đây.

“Họ dễ dàng bước sang nhà nhau, là một không gian giao lưu, là mẹ bế con ra chơi cùng bác hàng xóm, là hai ba hai ba khi cả xóm cùng đẩy một chiếc thuyền nhổ neo ra sông… Là văn hóa cộng đồng đặc trưng ở một không gian công cộng đặc biệt. Thuyền vệ sinh phát huy cấu trúc đó. Sẽ có không gian công cộng để tắm. Có cả không gian vệ sinh riêng tư”, nhóm thiết kế Xóm thuyền cho biết. Thêm vào đó, do mực nước sông Hồng biến đổi không ngừng, thuyền vệ sinh có tính di động cao luôn có thể “kề vai sát cánh” cùng xóm thuyền dù nước lên hay xuống. Nếu được xây dựng, người dân ở đây sẽ không còn cảnh nhà tắm hoặc nhà vệ sinh chỉ che bạt tạm bợ hiện nay nữa.

Nắn nót

“Những địa điểm có ảnh hưởng như phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) hay hồ Gươm (Hà Nội), người thiết kế buộc phải kỹ càng hơn về hình thức bên cạnh kỹ thuật xử lý chất thải”, KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ. Đây là những khu vực nổi tiếng, có sức hút mạnh mẽ với người dân, đặc biệt khi có các sự kiện văn hóa lớn.

Trong thiết kế đóng và mở (KTS Trần Tuấn Anh, ĐH Kiến trúc Hà Nội), các nhà vệ sinh ở hồ Gươm được thiết kế thành từng phòng rời, sau đó dựng dàn trồng cây xung quanh. Vì thế, nhìn xa, chuỗi nhà vệ sinh trông giống với một giàn cây xanh dịu nhẹ. Hay thiết kế The Origami colour box cho phố đi bộ Nguyễn Huệ, các mô đun nhà vệ sinh được đặt tản mát để phân tán sự chú ý. Thiết kế của Nguyễn Minh Kha, Nguyễn Ngọc Minh Khánh (ĐH Kiến trúc TP.HCM) còn có những tổ hợp điêu khắc đặc rỗng với khoảng cách tối đa 2,5 m để người đi bộ có thể đi xuyên qua. Màu sắc của các mô đun cũng sử dụng màu tươi sáng như vàng chuối, xanh dương…

Một thiết kế khác của KTS Nguyễn Viết Nam (ĐH Xây dựng) có tên Vì một hành tinh xanh, cho công viên Yên Sở, Hà Nội lại được xây dựng bằng vật liệu tái chế. Đây vốn là nơi rộng rãi, người dân hay đến tập thể dục, nhưng nhà vệ sinh lại rất ít. Theo thiết kế, các thùng container cũ, vỏ chai, lốp xe cũ, thùng phi sẽ được tái sử dụng và kết nối lại. Thiết kế tạo hình dựa trên hình quả địa cầu, lại được tính toán thông gió và trồng cây tạo khoảng xanh.

Phương án thiết kế nhà vệ sinh ở công viên Yên Sở

“Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa ý tưởng thiết kế của các KTS trẻ”, KTS Doãn Thế Trung, trưởng ban tổ chức, cho biết. Trong khi đó ông Hoàng Thúc Hào cho rằng, Tổ chức Action Aid cùng trường ĐH của ông sẽ tìm cách để hiện thực hóa các thiết kế nói trên. Điều này, theo ông sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn KTS Nguyễn Hoàng Phương khẳng định, nhà vệ sinh thơm tho, đẹp đẽ, đa dạng về thiết kế chính là thể hiện một đô thị có chất lượng sống tốt.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên