Top

Đảm bảo an toàn lao động xây dựng sau Tết: Đâu là giải pháp căn cơ?

Cập nhật 25/02/2018 09:57

Hiện trường vụ sập giàn giáo ở Mỗ Lao. Ảnh: Cường Ngô.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, tâm lý người lao động tại các công trường xây dựng mất tập trung, không tuân thủ các quy trình bảo hộ lao động do muốn làm nhanh để vui xuân. Một số chủ thầu, chỉ huy công trường chủ quan trong công tác an toàn lao động nên nguy cơ xảy ra tai nạn lao động luôn trực chờ.

Phân tích từ 62 bản điều tra tai nạn lao động gây chết người trong 6 tháng đầu năm 2017 của Cục An toàn Lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có thể thấy, lĩnh vực xây dựng chiếm tới 25,8% tổng số vụ và 24,2% tổng số người chết.

Vậy, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần làm gì để đảm bảo an toàn lao động cho công nhân tại các công trường xây dựng sau Tết Mậu Tuất 2018. Báo Lao Động đã có trao đổi với ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về vấn đề này.

Từ vụ sập giàn giáo khiến 6 người thương vong ở công trường xây dựng Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) cũng như nhiều vụ tai nạn lao động ở các công trường xây dựng thời gian gần đây, chúng tôi đặt vấn đề đảm bảo an toàn lao động lĩnh vực xây dựng sau Tết Nguyên đán. Phải chăng vấn đề này đang bị bỏ ngỏ, thưa ông?

- Nói bỏ ngỏ quản lý an toàn lao động ngành xây dựng sau Tết là không đúng, bởi hệ thống văn bản pháp luật về an toàn lao động tương đối đầy đủ, được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật An toàn, Vệ sinh lao động, các Nghị định, Thông tư về an toàn lao động. Vấn đề ở đây là việc quản lý, chỉ huy trực tiếp trên công trường còn nhiều bất cập.

Có thể thấy, dịp trước và sau Tết, các vụ tai nạn lao động trên các công trình xây dựng, gây thương vong cho cả người lao động, người tham gia giao thông hoặc sinh sống lân cận công trình thường cao hơn.

Theo đó, tổng thầu, sau khi trúng thầu và tiến hành xây dựng, họ thuê các nhà thầu phụ, các nhà thầu phụ có khi lại thuê các nhà thầu phụ khác, các tổ, đội, dẫn đến việc triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động bị rơi rụng.

Để ngăn chặn các vụ tai nạn lao động sau Tết, Luật Xây dựng, Bộ luật Lao động, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia an toàn đã nêu rõ các biện pháp kỹ thuật, tổ chức, quản lý. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp này phải thật sự đầy đủ, nghiêm túc và được giám sát chặt chẽ mới có thể phòng ngừa được tai nạn tái diễn.

Có thực trạng, người lao động, công nhân mặc dù trực tiếp thi công tại các công trường xây dựng nhưng không được phổ biến kiến thức về vấn đề an toàn lao động, rất ít công nhân quan tâm vấn đề bảo hộ, nhiều người còn chủ quan, ông suy nghĩ như thế nào?

- Tôi cho rằng, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất thuộc về người quản lý, sử dụng lao động.

Nếu người sử dụng lao động tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật, họ sẽ không nhận những công nhân chưa được đào tạo nghề. Trước khi vào làm việc, các chỉ huy công trường phải hướng dẫn công nhân về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Kể cả việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho họ cũng là trách nhiệm của người sử dụng lao động được pháp luật quy định.

Qua công tác kiểm tra, điều tra những vụ tai nạn lao động lĩnh vực xây dựng, chúng tôi thấy rằng, nguyên nhân gây tai nạn lao động do người sử dụng lao động chiếm khoảng 52%. Nhiều chủ đầu tư, chủ thầu đã buông lỏng quản lý, không cắt cử người giám sát, chỉ đạo công tác an toàn thường xuyên, sử dụng các thiết bị, như cần cẩu tháp, máy vận thăng... chưa được kiểm định chất lượng, sử dụng người vận hành chưa được đào tạo nghề, làm sai quy trình. Còn trách nhiệm thuộc về người lao động chiếm 18,9% nguyên nhân gây tai nạn lao động. Nhiều người lao động không được đào tạo nghề, nhưng vì mưu sinh, họ chấp nhận làm cho thầu phụ, không biết rằng, việc làm của mình đã vi phạm quy định của pháp luật.

Như Cục trưởng đã nói, trách nhiệm lớn nhất thuộc về người quản lý, sử dụng lao động, tuy nhiên, còn điều gì phải nhớ để đảm bảo an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng?

- Đó là các phương tiện, máy thiết bị phục vụ xây dựng phải được kiểm định nghiêm ngặt. Người lao động sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân chỉ phòng tránh được tai nạn lao động nhỏ, còn các thiết bị xây dựng, khi xảy ra tai nạn như đổ, sập, gây hậu quả nghiêm trọng cho cả một vùng, ảnh hưởng đến nhiều người.

Khi đưa thiết bị, máy móc vào công trường, phục vụ xây dựng, phải được khai báo với Sở Lao động địa phương, kiểm định khi lắp đặt ở công trình mới, trong quá trình vận hành phải sử dụng những lao động được cấp giấy chứng nhận nghề.

Thời gian qua, lĩnh vực xây dựng có nhiều vi phạm; vi phạm từ thiết bị không kiểm định, không đảm bảo an toàn, vi phạm trong quá trình người vận hành không tuân thủ các quy trình kỹ thuật, vi phạm của công nhân không sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân, hoặc sử dụng không đúng cách… Những vi phạm này, cần phải xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe, để hạn chế tai nạn lao động trên công trường.

Vì sao nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động thờ ơ với tính mạng con người, phải chăng xuất phát từ việc các doanh nghiệp xây dựng bán thầu, cho mượn tư cách pháp nhân, sử dụng cai thầu và “khoán trắng” vấn đề an toàn lao động cho cai thầu?

- Tôi cho rằng, vấn đề cai thầu, thầu chính, thầu phụ được quy định rất rõ trong Luật Xây dựng. Theo quy định của pháp luật, thầu chính có quyền thuê thầu phụ nên không thể khẳng định họ vi phạm. Vấn đề ở đây là quy trách nhiệm như thế nào. Nếu tổng thầu trong quá trình làm hợp đồng với thầu phụ, quy định rất chặt chẽ các vấn đề an toàn lao động thì không vấn đề gì.

Sở dĩ có nhiều vi phạm an toàn lao động xuất phát từ mục tiêu phải thắng thầu. Vì lẽ đó, nhiều nhà thầu đã bỏ bớt giải pháp an toàn lao động cho người lao động. Đến các nhà thầu phụ, vì công ăn việc làm, họ nhận gói thầu với giá trị thấp hơn, không đảm bảo an toàn, rồi lại thuê các tổ, đội tự do dẫn đến mất an toàn lao động.

Vấn đề này cần sự giám sát của chủ đầu tư, giám sát của cơ quan quản lý xây dựng địa phương. Nếu không đảm bảo an toàn lao động thì phải đình chỉ, rút giấy phép công trình.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều công nhân vẫn còn “say sưa” hương xuân, ảnh hưởng đến vấn đề An toàn lao động, vậy có giải pháp nào để nâng cao chất lượng an toàn lao động?

- Trước Tết các cơ quan quản lý nhà nước đã có văn bản nhắc nhở trong toàn quốc, riêng Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi cho tất cả địa phương, các Bộ, ngành yêu cầu tăng cường công tác quản lý vấn đề an toàn vệ sinh lao động trước và sau Tết Nguyên đán.

Sau Tết có rất nhiều trang thiết bị, giàn giáo lắp sẵn, qua thời gian nghỉ Tết có thể mục nát, làm biến dạng, mất an toàn. Ngoài ra, các công nhân vẫn còn tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” dẫn đến quá trình làm việc mất tập trung, không đảm bảo công việc. Về vấn đề này, chúng tôi xin cảnh báo đến các chủ đầu tư, nhà thầu, ra Tết phải kiểm tra rất chặt chẽ các vị trí làm việc, các thiết bị xây dựng, đảm bảo an toàn mới cho vận hành. Bộ phận an toàn phải đi trước một bước.

Một số vụ sập giàn giáo cận Tết 2018

1. Vào lúc 11h20 ngày 4.1.2018, tại khu vực thi công dự án khu trung tâm Lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử (TP. Uông Bí) đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm 4 công nhân đang sơn kho cabin nhà ga cáp treo bị thương do ngã từ giàn giáo. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các công nhân trong quá trình thi công đã bất cẩn, chưa tuân thủ đúng quy trình lao động.

2. Ngày 21.11.2017 tại công trình xây dựng nhà ở thuộc phường Tân Phong, thành phố Biên Hoà, Đồng Nai sập giàn giáo khiến 2 công nhân tử vong.

3. Ngày 31.10, tại dốc Cô Sáu, thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), xảy ra một vụ sập giàn giáo công trình xây dựng nhà, khiến 1 người tử vong và 4 người bị thương.

4. Khoảng 17h ngày 25.11, một nhóm công nhân tiến hành đổ bê tông ở phần mái của công trình Bến xe phía Bắc TP. Vinh tại xã Nghi Kim, TP. Vinh thì giàn giáo bất ngờ bị đổ sập. Vụ việc khiến 10 công nhân phải nhập viện khẩn cấp.

5. Ngày 12.1, tại dự án Luxury Apartment Đà Nẵng làm 4 người bị thương nặng có nguyên nhân do sử dụng giàn giáo kém chất lượng.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động